Tự hào là cái nôi của nền 'Văn hóa Hòa Bình'

Thành phố Hòa Bình hiện có một con đường và một khách sạn mang tên Colani. Đó là sự tri ân đối với nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani - người đã đề xuất khái niệm 'Văn hóa Hòa Bình' và cũng là để các thế hệ người dân Hòa Bình hôm nay và mai sau biết và tự hào: nơi đang sinh sống là cái nôi của nền 'Văn hóa Hòa Bình'.

Các nhà nghiên cứu và học sinh, sinh viên thăm quan di tích hang Trại, xã Tân Lập (Lạc Sơn) - nơi khai quật di chỉ liên quan đến nền "Văn hóa Hòa Bình”.

Văn hóa Hòa Bình là nền văn hóa nổi tiếng thời kỳ tiền sử cách ngày nay 18.000 năm. Đây là nền văn hóa đặc trưng ở các nước Đông Nam Á lục địa, phía nam Trung Quốc và phía Tây châu thổ 3 con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam, trong đó có sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình. Từ việc khai quật các địa điểm di tích hang động tại vùng đá vôi ở Hòa Bình, năm 1927, nhà khảo cổ người Pháp Madelene Colani đã đề xuất khái niệm "Văn hóa Hòa Bình”. Theo đó, năm 1932, hội nghị các nhà tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội đã thừa nhận thuật ngữ "Văn hóa Hòa Bình” là thuật ngữ để chỉ một nền văn hóa cổ đại đã xuất hiện và tồn tại trên địa phận nước Việt thời tiền sử, đồng thời khẳng định Hòa Bình là một trong những trung tâm của người nguyên thủy ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu của M.Colani: cư dân "Văn hóa Hòa Bình” sống thành từng bầy đoàn trong hang động, săn bắn, hái lượm để kiếm sống. Con người thời đó đã biết sử dụng công cụ cuội với cách chế tác ghè, đẽo tạo ra các loại công cụ có hình hạnh nhân, hình đĩa và sau là công cụ hình rìu ngắn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người đã hàng trăm lần đi khảo cứu, khai quật các di chỉ khảo cổ học liên quan đến nền "Văn hóa Hòa Bình” chia sẻ: Hiện nay, ở Việt Nam đã tìm thấy trên 130 địa điểm thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình", trong đó, riêng tỉnh Hòa Bình có trên 70 di tích đã được phát hiện và nghiên cứu. Các di chỉ thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình”, chủ yếu nằm trong hang động và mái đá. Trên địa bàn tỉnh, các di chỉ đã được tìm thấy ở động Can, hang xóm Trại, mái đá làng Vành, mái đá Tôm, mái đá Chiềng Khến, hang làng Đồi, hang Muối... Những di vật thường gặp trong "Văn hóa Hòa Bình” là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế tác khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật, vỏ hạt một số loài thảo mộc còn giữ lại trong tầng văn hóa và một khối lượng lớn di vật, xương động vật, di cốt người.

Hiện, một số di vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, được trưng bày trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh và tham gia trưng bày theo chuyên đề ở tầm khu vực, nhằm giới thiệu hình ảnh trực quan thể hiện các bước tiến hóa của con người thông qua nền "Văn hóa Hòa Bình”. Thường các đợt trưng bày về "Văn hóa Hòa Bình" là mô phỏng, dựng lại một hang động người nguyên thủy đã cư trú. Có con người, bếp lửa, đồ đá - công cụ lao động, trên nền hang là rất nhiều vỏ ốc, công cụ đá và các mảnh tước (do con người ăn và bỏ lại).

Tự hào sinh sống ở cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình", người dân Hòa Bình luôn đề cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng đất cửa ngõ Thủ đô và cửa ngõ vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Thúy Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/135528/tu-hao-la-cai-noi-cua-nen-van-hoa-hoa-binh.htm