Từ chiếc nóp bàng...

Cỏ bàng vốn là loài cỏ dại, mọc hoang khắp vùng sình lầy, chua phèn, ngập nước, có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười và một số địa phương giáp ranh. Từ bao đời nay, qua bàn tay con người, cỏ bàng trở thành nhiều vật dụng cần thiết trong nhà.

Bà Nguyễn Thị Lên (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa) biết đan bàng từ ngày còn nhỏ và vẫn giữ nghề đến hôm nay

Bà Nguyễn Thị Lên (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kể, từ ngày còn nhỏ, bà đã thấy người dân quê mình gắn bó với cây bàng và từ bàng có thể làm ra nhiều vật dụng khác nhau: Võng bàng, nón bàng, trúm bắt cá, bao đựng lúa,... Bà lớn lên, biết đương bàng như một lẽ tự nhiên và nghề theo bà đến khi tóc phai màu, dù cỏ bàng không còn nhiều và các sản phẩm từ bàng không còn thông dụng như xưa.

Trong câu chuyện, những người lớn tuổi vùng Đồng Tháp Mười ít nhiều nhắc đến nghề đương bàng. Khi kể về bà nội của mình - Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết, ông Nguyễn Văn Bình (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) nói: “Bà nội tôi tiễn cha tôi, các chú, các bác lên đường đi kháng chiến rồi ở nhà chăm lo cho các cháu. Ngày nội đi nhổ bàng, đêm về đương đệm. Tùy vào ánh đèn nội thắp mà bộ đội biết lúc nào có giặc vào làng, lúc nào không”. Cây bàng gắn bó với đời sống người dân, lại đồng hành trong cuộc trường kỳ kháng chiến, trong đó phải kể đến hình ảnh chiếc nóp bàng. Bài hát Nam Bộ kháng chiến có đoạn:

Mùa thu rồi ngày hăm ba

Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...

... Nóp với giáo mang ngang vai

Nhưng thân trai nào kém oai hùng.

Nóp là tấm đệm gập lại, may khít hai đầu, chừa mí ngang, gọi là lưỡi gà để chui vào nằm tránh muỗi, vốn là vật dụng quen thuộc của người dân vùng Đồng Tháp Mười.

Theo sách Tự vị tiếng nói miền Nam (NXB Văn hóa - 1993), tác giả Vương Hồng Sển cho rằng chữ “nóp” bắt nguồn từ tiếng Khmer, căn cứ vào từ “Kontil nôp”.

Anh Bùi Thành Được - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh may thử nghiệm mẫu túi mới

Có ý kiến cho rằng, chiếc nóp có từ thời chống Pháp, khi đội quân hàng ngàn người của Thiên Hộ Dương lập đồn ở Đồng Tháp Mười thì chiếc nóp dùng để chống muỗi khi quân nhu còn thiếu thốn. Sau này, chiếc nóp được cải tiến dần và đi vào đời sống lẫn chiến đấu như một lẽ hiển nhiên, một điều không thể thiếu:

Vai mang cái nóp, tay xách cái lọp, cái lờ

Về miền đồng chua nước mặn đặng nhờ miếng ăn.

hay:

Chiều hôm em đứng giã bàng

Thương anh quải nóp trong hàng quân đi.

Có lẽ vì sự gắn bó, cần thiết đó mà cho đến hôm nay, nghề đương bàng vẫn được duy trì, phát triển khắp các địa phương thuộc khu vực Đồng Tháp Mười, huyện Thủ Thừa, huyện Đức Huệ dù quy mô hầu hết chỉ mang tính gia đình, nhỏ, lẻ. Khi những cánh đồng bàng thành ruộng lúa mênh mông, các khu công nghiệp, nghề đương bàng cũng mai một dần.

Các gia đình giữ nghề chủ yếu là đương đệm, túi xách, nón để bán cho thương lái hoặc đưa ra chợ với mức giá bình dân. Hình ảnh chiếc nóp bàng năm cũ hầu như chỉ còn trong tranh, ảnh và hoài niệm!

Nón lá cỏ bàng là sản phẩm mới tại Công ty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh

Vài năm trở lại đây, khi lối sống thân thiện với môi trường dần phát triển, các sản phẩm thủ công được quan tâm nhiều hơn, nâng dần giá trị thì cây cỏ bàng lại có vai trò mới. Ống hút cỏ bàng trở thành từ khóa được quan tâm khi ý thức bảo vệ môi trường dần nâng lên trong xã hội. Những chiếc túi xách cỏ bàng cũng từng bước nhận được sự ưa chuộng của người dùng.

Tại Long An, thương hiệu túi xách cỏ bàng của Công ty (Cty) TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh (huyện Cần Đước) được nhiều người biết đến. Với tình yêu dành cho sản phẩm thủ công của quê nhà, anh Bùi Thành Được - Giám đốc Cty TNHH Sản xuất Miền Tây Xanh, không ngừng sáng tạo, cho ra đời nhiều loại mẫu mã túi xách khác nhau, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường.

Anh Bùi Thành Được chia sẻ: “Ban đầu, túi xách là sản phẩm nhằm tối ưu hóa nguồn nguyên liệu khi sản xuất ống hút cỏ bàng. Dần về sau, túi xách cỏ bàng Miền Tây Xanh nhận được nhiều sự yêu mến của khách hàng và bắt đầu chinh phục thị trường quốc tế”.

Cỏ bàng - loài cây mọc hoang vùng phèn, trũng, cùng người dân trải qua bao thăng trầm cuộc sống, đồng hành trong công cuộc chống ngoại xâm, giờ đây “khoác lên mình áo mới” cũng chính nhờ sự cần mẫn và sáng tạo của con người./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tu-chiec-nop-bang--a175211.html