TS Vũ Trọng Khải: Kỹ sư nông nghiệp để làm nông dân chứ không phải công chức NN

Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa Thu 2019, PGS.TS Vũ Trọng Khải cho biết, ở các nước, kỹ sư nông nghiệp ra là để làm nông dân chứ không phải công chức nhà nước, trong khi chúng ta không có nông dân chuyên nghiệp.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam là một trong những quốc gia có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha.

Năng suất sử dụng đất của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan (ảnh minh họa)

Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.

Còn ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, năng suất sử dụng đất của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng 1/2 Philippines, thậm chí là 1/3 của Indonesia và Thái Lan.

Thu nhập từ nông nghiệp hiện còn thấp, bình quân chung cả nước hiện mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất nông nghiệp.

Một thống kê chỉ ra tỷ lệ bỏ hoang đất nông nghiệp đã tăng từ 1,7% (năm 2014) lên 3,8% (năm 2016); đồng thời diện tích sử dụng đất bình quân hộ giảm 0,9% trong giai đoạn 2014 - 2016.

PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng thị trường đất nông nghiệp Việt Nam đang gặp trục trặc. Người có đất, sở hữu đất thì không muốn buông đất ra nhưng tự sản xuất thì năng suất thấp vì manh mún. Người muốn có đất để làm nông nghiệp lớn, có hiệu quả thì họ không tiếp cận được. Cầu và cung đất đai không khớp nhau vì thế quá trình sản xuất, tăng hiệu quả đất nông nghiệp không diễn ra.

"Mấu chốt là người nông dân có đất không có đầy đủ quyền sở hữu về đất đai, quá trình chuyển giao đất đai không diễn ra để họ thu lợi lớn nhất, vì thế họ chọn cách giữ lại như hình thức bảo hiểm, kết quả là thị trường đất đai không hoạt động", ông Thành nói.

Tại Diễn đàn nông nghiệp mùa Thu 2019 diễn ra ngày 24/10, PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM cho biết có 3 yếu tố để tích tụ tập trung ruộng đất, đó chính là cầu, cung và doanh nghiệp.

PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II

“Hiện nay có ý kiến cho rằng tích tụ ruộng đất sẽ khiến một số nông dân bị bần cùng hóa, sinh ra tầng lớp địa chủ mới. Nhưng bần cùng hóa không phải là vì tích tụ ruộng đất mà vì chúng ta không chuyển được nông dân thành thị dân một cách bền vững. Giải quyết được vấn đề này thì người nông dân mới sẵn sàng bán, cho thuê đất”, PGS.TS Khải nói.

Theo ông, người nông dân khu công nghiệp lao động nhưng vẫn trong tâm thế bấp bênh, lo lúc 35-40 tuổi bị sa thải lại nghĩ quay về làm ruộng. Ruộng đất không còn là tư liệu sản xuất mà vật bảo hiểm xã hội, tiết kiệm, của để dành thì chúng ta sẽ không có thị trường đất đai lành mạnh.

Thứ hai, chúng ta không có nông dân chuyên nghiệp, thanh nông tri điền thay thế cho lão nông tri điền. Chúng ta không có nguồn cầu về tích tụ ruộng đất để tạo ra những trang trại gia đình ứng dụng công nghệ cao. Vì thế phải tạo ra những thế hệ nông dân mới.

“Hệ thống trường nông nghiệp từ đại học, cao đẳng, trung cấp trải dài từ Bắc đến Nam hiện nay không đào tạo nông dân, chỉ có ngành bảo vệ thực vật, thú y là hot, không ai trở về làm nông dân. Trong khi đó, ở các nước, kỹ sư nông nghiệp ra là để làm nông dân chứ không phải công chức nhà nước.

Phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập mà không có nông dân lớn, không có doanh nghiệp lãnh đạo theo chuỗi giá trị thì chúng ta sẽ bị thất thế”, PGS.TS Khải nhấn mạnh.

Yếu tố thứ 3 để tích tụ tập trung ruộng đất, theo ông đó chính là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ phải là nhạc trưởng, chỉ có họ mới nắm bắt thị trường, xác lập các tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi để hướng dẫn nông dân.

Theo Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện còn nhiều rào cản chính sách trong tập trung tích tụ đất nông nghiệp như: hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (không quá 10 lần hạn mức giao). Mức thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác (2% thuế thu nhập cá nhân). Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước không được giao đất có thu tiền sử dụng đất nông nghiệp mà chỉ được thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp; hộ nhận chuyển nhượng đất lúa phải là hộ nông nghiệp…

Ông Trần Công Thắng đề xuất cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa.

Đồng thời giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và các khu, cụm, công viên, trung tâm công nghiệp – dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất nông nghiệp hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã; xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân…

Diệu Thùy

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/ts-vu-trong-khai-ky-su-nong-nghiep-de-lam-nong-dan-chu-khong-phai-cong-chuc-nn-post318044.info