Trồng cây dược liệu đem lại thu nhập, thay đổi đời sống của người dân

Trên thực tế, hiện nay việc trồng cây dược liệu đã và đang đem lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha. Dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế làm thay đổi đời sống của người dân vùng trồng dược liệu...

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế), Việt Nam có nhiều lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, hệ sinh thái đặc trưng, nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều khu vực là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân mà còn mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế làm thay đổi đời sống của người dân vùng trồng dược liệu...

Nhiều giá trị của việc nuôi trồng, phát triển vùng chuyên canh dược liệu

Sau gần 30 năm thực hiện công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị.

Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" (GACP-WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo.

Để có thành tựu trên, không thể không kể đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tại các vùng trồng dược liệu tại Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Trên thực tế, hiện nay việc trồng cây dược liệu đã và đang đem lại thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha. Điển hình như xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) với mô hình trồng cây thảo quả, diện tích hơn 80 ha cho thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/ha/năm.

Tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, cây sơn tra và sa nhân cho thu nhập từ 40 đến 60 triệu đồng/ha/năm. Hay như Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và dược liệu Yên Bái chế biến sâu cà gai leo thành cao, trà và bột mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, hợp tác xã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại bốn xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình với diện tích hơn 10 ha, mỗi năm cho sản lượng khoảng 80 tấn, doanh thu khoảng 3,8 tỷ đồng…

Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm tỉnh lỵ 80 km về phía Đông Bắc, có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt phát triển dược liệu quý dưới tán rừng. Ngoải ra, do địa hình bị chia cắt mạnh, tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, nên nguồn gen về cây dược liệu của Sơn Động cũng rất đa dạng, phong phú. Điều này tạo những lợi thế cạnh tranh trong phát triển dược liệu trong huyện.

Cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng

Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia, thực tế phát triển cây dược liệu ở nhiều địa phương còn những hạn chế do thiếu giống tốt có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh gây hại; nguồn tài nguyên dược liệu ngoài tự nhiên bị suy giảm do khai thác không bền vững trong thời gian dài và do chất lượng rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng sản xuất suy giảm tại một số vùng.

Diện tích rừng có chất lượng tốt, phù hợp để phát triển dược liệu chủ yếu tập trung ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Hơn nữa, diện tích trồng dược liệu mặc dù đã tăng trong thời gian qua (trừ cây quế, hồi) nhưng việc phát triển, gây trồng còn tự phát, manh mún, quy mô nhỏ, chưa có quy hoạch dẫn đến năng suất, sản lượng và chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào trồng, chế biến dược liệu. Phần lớn cây dược liệu dưới tán rừng được tiêu thụ dưới dạng nguyên liệu bán cho thương lái; phần lớn khu vực có tiềm năng phát triển trồng cây dược liệu hiện do các tổ chức quản lý rừng của Nhà nước quản lý nhưng các tổ chức này không có tiềm lực về tài chính để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cũng như cơ chế, chính sách để liên doanh, liên kết sản xuất vùng nguyên liệu; kết cấu hạ tầng giao thông ở vùng trồng chưa hoàn thiện… dẫn đến khó khăn trong tiếp cận, triển khai đầu tư các dự án trồng, phát triển cây dược liệu…

Tại nhiều địa phương việc nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng mang lại nhiều giá trị cả về kinh tế lẫn bảo vệ rừng.

Hiện nay, cả nước có hơn 10,1 triệu ha rừng tự nhiên. Đây là một lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển trồng các loài dược liệu dưới tán rừng.

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng dược liệu của các cơ sở sản xuất trong nước mỗi năm ước tính khoảng 60 - 80 nghìn tấn, phần lớn được sử dụng cho sản xuất thuốc đông y, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm.

Vì vậy, để phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần quy hoạch vùng trồng, danh mục loài cây dược liệu phù hợp để gây trồng, phát triển; song lưu ý không dàn trải, ưu tiên cây đặc sản. Cùng với đó, cần quy hoạch vùng bảo tồn những loài cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên, ưu tiên tại các khu rừng đặc dụng, bởi đây là nơi bảo tồn nguồn gen và cung cấp giống cho sản xuất.

Nam Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trong-cay-duoc-lieu-dem-lai-thu-nhap-thay-doi-doi-song-cua-nguoi-dan-169231107223032193.htm