Triết lý bóng đá qua những bài báo của Pep Guardiola

Những bài báo từ khi mới vào nghề của Pep Guardiola là nơi duy nhất ông thể hiện quan điểm về các siêu sao đương thời.

Trước khi làm HLV chuyên nghiệp, Pep Guardiola có nhiều năm cộng tác với tờ El Pais của Tây Ban Nha, phụ trách mục góc nhìn viết về các quan điểm của mình với thể thao.

Có ba giai đoạn Pep viết báo nhiều nhất, là khi cùng tuyển Tây Ban Nha dự World Cup 1994 tại Mỹ, khi chuẩn bị trở về Barcelona khởi nghiệp HLV năm 2007, và dịp World Cup 2006 diễn ra tại Đức. 2006 là năm Pep viết nhiều nhất, khi ông vừa treo giày sau 1 năm thi đấu ở Mexico.

Ca ngợi Peter Crouch và bẽ mặt trước “cách của người Italy”

Sở dĩ các bài báo của Pep gây chú ý, vì văn phong xuất sắc, góc nhìn đột phá và đặc biệt của ông về các vấn đề, nhân vật thể thao, có thể không liên quan đến bóng đá. Nó cũng là một phần định hình cá tính bóng đá của ông sau này, thể hiện ở các CLB mà ông dẫn dắt, tại ngay chính Man City bây giờ.

Năm 1994, khi đến Chicago dự World Cup, Pep chỉ có một thôi thúc là tìm cách gặp được huyền thoại bóng rổ Michael Jordan. “Tôi biết thành phố này có 5 sân bay, có hồ Michigan, được gọi là thành phố lộng gió, cái nôi của nhạc Blues. Nhưng với Chicago, tôi cần đi tìm một điều gì đó khác. Là Chicago của anh ấy. Bởi Chicago là anh ấy”.

Trước khi theo nghiệp huấn luyện, Pep Guardiola từng có thời gian theo nghiệp viết lách thể thao. Ảnh: Getty.

Pep không nhắc đến tên Jordan cho đến cuối bài. Ông mô tả chi tiết các bước chạy của huyền thoại đội bóng rổ Chicago Bulls trong trận đấu: “Anh ấy lao vào đối thủ, giậm nhảy hoàn hảo, đôi chân mở ra như một chiếc la bàn… và rồi trở lại ăn mừng với đám đông cuồng nhiệt”.

Và Pep mong được gặp Jordan trong một đoạn viết rất giàu hình ảnh: “Nhưng ở đâu đây”, ông viết. “Tôi nhìn sang trái, sang phải, ngó lên bầu trời, nơi có Chúa nhưng không. Huyền thoại này là người trần. Anh ấy sống cùng chúng ta”.

Hay như một bài khác về Michel Platini, người hùng tuổi thơ của Pep, có một poster trong phòng ngủ của ông hồi nhỏ. Pep kể lại ngày “tái ngộ” thần tượng trong một trận Barcelona - Juventus khi ông còn là một cậu bé nhặt bóng tại Camp Nou, chực chờ xin chữ ký thần tượng. “Ánh mắt của tôi dán vào một hướng, nơi có ông ấy. Juve thua, có lẽ bởi ông ấy không ký tặng tôi”, Pep hóm hỉnh viết.

Hoặc những câu triết lý thế này: “Trong những điều Platini từng nói, có một câu: “Sự khác biệt giữa một cầu thủ vĩ đại và một cầu thủ giỏi là HLV của anh ta”. Bóng đá khơi dậy tình yêu bởi không có gì tuyệt đối. Nó là một chuỗi các sai lầm. Một trận đấu hoàn hảo khi không ai mắc sai lầm là một trận hòa 0-0. Sẽ thật chán nếu chúng ta đều hoàn hảo”.

Trong bài viết tóm tắt trận tứ kết World Cup 2006 giữa Đức với Argentina, Pep lại có một đúc kết khác, khi khẳng định mọi kế hoạch chuẩn bị cho các trận đấu bóng đá đều là vớ vẩn nếu thất bại. “Chỉ cần bạn thua thì những gì bạn làm đều sai”.

Một lần khác, Pep kể lại câu chuyện về triết lý bóng đá liên quan đến Fabio Capello, HLV của ông trong giai đoạn thi đấu cho Roma mùa giải 2002/03. Lúc đó, Capello và Pep đều tin bóng đá Italy sẽ chẳng giành được gì nếu không chơi theo phong cách Tây Ban Nha. Cho đến khi Roma thua, Pep mới hiểu thế nào là “cách của người Italy”.

“Carletto Mazzone, HLV của tôi ở Brescia và là người cha Italy của tôi, trong một cuộc tán gẫu về bóng đá Tây Ban Nha và Italy, đột nhiên gõ đầu tôi và nói: “Này nhóc, Tây Ban Nha đã vô địch World Cup mấy lần rồi? Italy có 3 cúp”. Tôi không nói được gì nữa, chỉ đứng lên ôm ông ấy một cái. Tôi thật ngây thơ khi thuyết phục người khác đi theo hướng mà tôi thích. Hãy để người Italy chơi theo cách của người Italy”.

Pep giải thích cách Italy đánh bại Australia ở vòng 1/8 World Cup 2006 bằng cách dụ cho đối phương dâng cao, rồi đánh vào khoảng trống bằng một đoạn ví von cực hay: “Chờ đợi lão già rời khỏi nhà để tên trộm lẻn vào. Đó là cách họ sống và chiến thắng. Không nghi ngờ gì nữa”. Từ đó, Pep không còn chỉ trích các cách tiếp cận trận đấu khác với quan điểm bóng đá của mình.

Điều này thấy rõ trong một đoạn viết về chân sút cao kều Peter Crouch. Ai cũng biết Pep thích cầu thủ nhỏ con kỹ thuật tốt, chưa bao giờ dùng dạng cao lêu nghêu và vụng như Crouch.

Tuy nhiên, ông vẫn nhìn vào khía cạnh tích cực của giải pháp này: “Nếu dùng Crouch trên sân, hãy triển khai lối chơi quanh cậu ấy”, Pep viết. “Đây là cầu thủ có vai trò quan trọng ở khía cạnh tạo khoảng trống cho các tiền vệ như Steven Gerrard, Frank Lampard băng lên, thu hút hậu vệ giúp Michael Owen và Wayne Rooney… Crouch kết nối được với cả 10 người của đội bóng, là trung tâm của các pha câu bổng. Nhìn đơn giản nhưng không phải tiền đạo nào cũng làm được”.

Gọi Messi là “huyền thoại” từ World Cup 2006

Triết lý bóng đá của Pep thể hiện rõ nhất qua bức thư gửi HLV Luis Aragones của ĐT Tây Ban Nha, thể hiện quan điểm về lối chơi kiểm soát bóng và so sánh nó với giải pháp đá phòng thủ:

“Khi đá phản công, bạn có nhiều khoảng trống, trái ngược với phong cách cầm bóng chủ động. Nếu sở hữu Cesc Fabregas, Andres Iniesta, Xavi và Xabi Alonso ở World Cup, bạn buộc phải chọn cách đầu tiên, vì như những tiền vệ này từng nói: “Không có bóng, chúng tôi không là gì cả”.

“Việc tưởng là dễ nhưng thật ra rất phức tạp. Hồi ở Italy, các đồng đội nói với tôi rằng người Italy không thể cầm bóng, vì với họ, điều đó có nghĩa là không còn khoảng trống”.

Messi tỏa sáng rực rỡ khi Pep Guardiola là HLV trưởng Barca. Ảnh: Getty.

Đây cũng là giai đoạn nhà cầm quân xứ Catalunya thể hiện khả năng dự đoán về tài năng của Lionel Messi. Khi diễn ra World Cup 2006, Messi mới 18 tuổi. Tiềm năng có, nhưng để nói anh sẽ là huyền thoại bóng đá thì không. Dù đã xa La Masia nhiều năm, Pep vẫn giữ quan điểm Messi sẽ là tài năng lớn. Ông viết về Messi như vậy sau 15 phút chứng kiến anh ra mắt đấu trường World Cup trong trận gặp Serbia.

Pep viết: “Đây là 15 phút ra mắt của cậu ấy ở World Cup, nhưng tôi dám chắc cậu ấy sẽ còn nhiều phút hơn nữa ở giải này. Tôi sẵn sàng đánh cược với bất cứ ai có quan điểm khác”.

Pep cho rằng Messi có khả năng tập trung đặc biệt trong trận đấu: “Ngồi trên ghế dự bị 75 phút, Messi không nhìn bàn thắng của Javier Saviola, không xem Riquelme, không để ý Roberto Ayala, không chứng kiến gia đình Maradona đang nhảy trên khán đài. Cậu ấy chỉ chú ý đến khung thành của thủ môn Dragoslav Jevric”.

“Đó là cách cậu ấy quan sát. Cậu ấy chăm chú vào mục tiêu, không nhìn gì khác. Dù nhận bóng quay lưng lại khung thành, có nhiều khoảng trống hay bị bao vây bởi nhiều cầu thủ; khi thực hiện động tác qua người hay trong các pha một đấu một, không vấn đề với Messi. Cậu ấy chỉ quan tâm đến khung thành đối thủ. Khi vào sân chơi 15 phút cuối trận, Messi thu hút cả thế giới”.

“Cậu ấy khiến tôi liên tưởng đến những huyền thoại thật sự. Như thể trên sân khấu, một diễn viên bước ra và mọi người dán mắt vào anh ấy, dù bên cạnh có 10 diễn viên tuyệt vời. Như thể môn golf có và không Tiger Woods. Thiếu anh ấy thì môn golf sẽ khác”.

Còn đây là những gì Pep viết về Zidane năm 2006: “Mọi thứ về anh ấy đều tuyệt đẹp, cái tên cũng đẹp. Những hậu vệ Pháp biết ơn anh ấy, vì nhờ Zidane, đội bóng được tổ chức tốt. Anh ấy xin bóng, nhận bóng, chuyền bóng, rồi lặp lại quy trình đó lần này qua lần khác. Đội Pháp xoay quanh chuỗi hành động đó của Zidane”.

“Anh ấy làm mọi thứ ở mức vừa phải, thậm chí ăn mừng bàn thắng cũng vừa phải. Trong 10 lần Zidane nhận bóng, có 7 lần dùng 1 chạm. Ba lần còn lại là những pha xử lý chỉ Zidane làm được”.

Các đoạn Pep viết về huyền thoại Fabio Cannavaro, Andrea Pirlo, và Gennaro Gattuso sau trận chung kết World Cup 2006 cũng rất thú vị.

Về Cannavaro: “Một trung vệ có thể làm được hai việc: Một, phòng thủ, và hai, xin bóng để phát động tấn công từ tuyến dưới. Về phòng thủ, bạn phải ngã mũ trước Cannavaro. Anh ấy là ngoại hạng. Nhưng vế thứ hai, quên nó đi. Anh ấy không bao giờ làm việc đó hoặc không thích công việc đó”.

Về Andrea Pirlo: “Trong đầu anh ấy có hai thứ. Đầu tiên là việc Cannavaro làm và thứ hai là việc anh ta không làm. Khi trung vệ không thích phát động tấn công, Pirlo lùi thấp xin bóng và bắt đầu công việc. Trong thế trận cần bàn thắng, anh ấy sẽ dâng cao để kết hợp cùng Francesco Totti. Ở vị trí đó, Pirlo rất khác biệt. Có Pirlo, Totti cũng đá tốt hơn”.

Về Gattuso trong trận World Cup 2006, người theo sát Zidane như hình với bóng hôm đó, Pep nhận xét hài hước: “Tôi hình dung rằng anh ấy ôm 1 tấm hình của Zidane lúc ngủ. Phòng chỉ có mình anh ấy. Không đồng đội nào dám ngủ cùng”.

Messi và 9 đời huấn luyện viên Barca Trong 17 năm khoác áo đội một Barca, Lionel Messi đã được dẫn dắt bởi nhiều cựu danh thủ, chiến lược gia hàng đầu như Frank Rijkaard, Pep Guardiola hay Luis Enrique.

Đỗ Hiếu (Theo Athletic)

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/triet-ly-bong-da-qua-nhung-bai-bao-cua-pep-guardiola-post1177820.html