Tranh chấp đến Đá Thiên ở Đồng Hỷ- Thái Nguyên: Lại nóng vì chính quyền 'cưỡng chế' đưa BQL mới vào hoạt động?

Ban quản lý đền Đá Thiên được thành lập cuối năm 2019. Mặc dù vẫn đang còn tranh cãi về tính chính danh, hợp pháp, dân chủ và uy tín cá nhân các thành viên trong cộng đồng theo quy định Luật Tín ngưỡng Tôn giáo. Nhưng để gấp rút thực hiện mục đích thôn tính ngôi đền, thu tiền công đức. UBND thị trấn Trại Cau được sự hậu thuẫn tích cực của huyện Đồng Hỷ, đã tổ chức một cuộc 'triển khai kế hoạch của UBND thị trấn đưa ban quản lý đền Đá Thiên vào hoạt động theo quy định của pháp luật'? Thực chất đây chính là một cuộc cưỡng chế 'trá hình' trái quy định của pháp luật cần phải được lên án và xử lý nghiêm minh để giữ vững kỷ cương phép nước?

Đơn tố cao của bà Hoàng Thị Lý

Như một cuộc “công đồn”

Trời vừa sáng, bất ngờ loa phóng thanh của ban quản lý đền Đá Thiên từ ngoài chĩa vào trong đền tuyên truyền kế hoạch đưa Ban quản lý đền Đá Thiên vào hoạt động. Cảnh sát giao thông, trật tự giăng kín từ đường chính cách 2km kiểm soát ngăn cản khách thập phương vào đền. Hàng trăm người gồm các ban ngành đoàn thể của huyện và thị trấn. Thanh tra, Kiểm sát, Công an chính quy và dân phòng có mặt. Xe cẩu chuyên dụng, xe ô tô tải, xe cứu thương, máy hàn, máy cắt kim loại... cũng được tập kết đầy đủ tại hiện trường là cổng đền Đá Thiên để thực hiện nhiệm vụ. Trực tiếp Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ có mặt chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 464 ngày 29/11/2019 của UBND thị trấn Trại Cau đưa ban quản lý đền Đá Thiên vào hoạt động.

Lực lượng chức năng có mặt đưa ban quản lý đền Đá Thiên vào hoạt động

Thế lực nào đã chiếm giữ đền Đá Thiên và đền Đá Thiên đã mất từ bao giờ để chính quyền huyện Đồng Hỷ phải quan tâm tổ chức một lực lượng mạnh đến như vậy cho việc triển khai kế hoạch lấy lại ngôi đền?

Đó là câu hỏi đặt ra với những người dân nơi đây và sự ngỡ ngàng của cả gia đình bà Hoàng Thị Lý chủ nhân ngôi đền này hơn 50 năm qua, và cũng đang được UBND thị trấn gọi là thủ nhang, được UBND đưa vào danh sách là phó ban quản lý đền hiện tại?

Phiếu ghi nhận công đức

Đang dưỡng bệnh trong nhà nằm trong khuôn viên đền Đá Thiên, các con của bà đã phải khiêng bà lên xe lăn đẩy ra cổng đền để có ý kiến phải trái với người có trách nhiệm của chính quyền thị trấn là ông chủ tịch UBND Vũ đăng Khoa người cầm loa dẫn đầu đoàn "công tác" này.

Với giọng thều thào yếu ớt của một người ngoài 80 tuổi đang ốm bà Lý nhiều lần khẳng định rằng ngôi đền là tâm huyết của cả cuộc đời mình. Bà không cho phép bất cứ ai chiếm đoạt, xâm phạm vào nơi thờ cúng tôn nghiêm của mình.

Những người lớn tuổi đã trải qua những cuộc chiến tranh trước đây cho rằng cuộc "triển khai kế hoạch đưa ban quản lý đền Đá Thiên vào hoạt động theo quy định của pháp luật" như là một trận "công đồn" ngày xưa. Hoàn toàn không giống với những việc thường làm của một cấp chính quyền cơ sở.

Cưỡng chế bất thành

Thực tế đền Đá Thiên vẫn hoạt động bình thường, đúng pháp luật. Nó chỉ bất bình thường và không đúng pháp luật đang diễn ra ở trên "bàn giấy" kể từ khi chính quyền thị trấn Trại Cau tranh chấp ngôi đền với gia đình bà Hoàng thị Lý (2014). Bất bình thường hơn cả là vụ việc tranh chấp này đã diễn ra nhiều năm qua, đơn từ, văn bản đã đến nhiều cấp, nhiều ngành nhưng đến nay vẫn chưa cơ quan nào giải quyết.

Ấy vậy mà chính quyền thị trấn Trại Cau, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Đồng Hỷ lại "đẻ ra" cái gọi là Ban quản lý đền Đá Thiên với quy chế hoạt động. Dùng con dấu của chính quyền giao dịch thu tiền công đức. "Chia chác" bằng cách 80 phần trăm tiền thu được cho phát triển dự án khu du lịch sinh thái của doanh nghiệp, 20 phần trăm còn lại trả lương cho các thành viên Ban quản lý. Trong đó có trả "lương" cho đại diện chính quyền kiêm nhiệm chức danh trưởng ban quản lý đền.

Để thực hiện được ý đồ này chính quyền thị trấn Trại Cau đưa ra lý do hoàn toàn vô lý "Kế hoạch đưa ban quản lý vào hoạt động theo pháp luật". Vô lý hơn ở chỗ chưa cơ quan có thẩm quyền nào xác định đây là đền của UBND thị trấn, và chính UBND thị trấn từ 13 năm trước đã công nhận ngôi đền này là của bà Hoàng Thị Lý. Bà Lý quản lý và là thủ nhang ngôi đền này hơn 50 năm qua không hề có sai phạm pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo.

Câu hỏi đặt ra phải chăng chính quyền thị trấn Trại Cau lập ra Ban quản lý để mang con dấu của chính quyền vào đền hoạt động thu tiền công đức đó mới là "theo quy định pháp luật"?

Từ những "khuất tất" trong tranh chấp chưa giải quyết này đã làm khó cho UBND thị trấn Trại Cau ra một quyết định cưỡng chế theo quy định của pháp luật để thu hồi ngôi đền giao cho Ban quản lý của mình hoạt động mà không cần tham khảo ý kiến nào với gia đình bà Hoàng Thị Lý?

Cuộc "triển khai kế hoạch" rầm rộ, vô cùng tốn kém không thành vì gia đình bà Lý kiên quyết ngăn cản, đã buộc Chính quyền phải ra lệnh rút quân?

Nếu cứ theo biện minh của UBND thị trấn Trại Cau, đây không phải là một cuộc cưỡng chế. Chỉ là triển khai kế hoạch cho Ban quản lý đền của một cụm dân cư thì HĐND thị trấn sẽ biểu quyết như thế nào khi thông qua ngân sách hàng năm ở thị trấn miền núi còn nghèo khó này cho những năm tới?

Dư luận bất bình với cách làm của UBND thị trấn Trại Cau và huyện Đồng Hỷ trong vụ việc ngày 3/12/2019 vừa qua và cho rằng mọi sai trái đều phải được pháp luật xử lý nghiêm minh và công bằng. Đấy mới là sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật?

Nhóm PV

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tranh-chap-den-da-thien-o-dong-hy-thai-nguyen-lai-nong-vi-chinh-quyen-quotcuong-chequot-dua-bql-moi-vao-hoat-dong-7150/