Trần Văn Tần: Người cựu binh với hành trình không mệt mỏi

Vết thương bởi đạn găm vào da thịt vẫn nhói lên mỗi khi 'trái gió, trở trời', rồi hình ảnh đồng đội ngã xuống trước mắt mình vẫn nhiều đêm làm ông Trần Văn Tần tỉnh giấc. Nỗi niềm canh cánh ấy khiến người cựu binh già dù đã ở tuổi 80, vẫn miệt mài hành trình đi tìm đồng đội – những người đã mãi mãi nằm xuống ở tuối đôi mươi để đổi lấy hòa bình cho dân tộc.

Cựu chiến binh Trần Văn Tần với cuốn nhật ký bằng hình ảnh ghi lại những chuyến đi tìm đồng đội của ông trong suốt nhiều năm trời

Ký ức tuổi 20 chí khí hào hùng

Như bất kỳ một cựu binh nào trở về sau cuộc chiến, cựu chiến binh Trần Văn Tần (phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, chí khí người lính cũng như những kí ức về những ngày tháng bom đạn khốc liệt nhưng đầy hào hùng.

Buổi nói chuyện của ông với Chúng tôi – thế hệ không một ngày phải sống dưới bom đạn chiến tranh, được hít thở bầu không khí hòa bình, như là một thước phim tua chậm, quay ngược thời gian trở về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Nam kiên trung, anh hùng, tinh thần cách mạng đã ngấm vào máu chàng thanh niên trẻ Trần Văn Tần, vì vậy, mới 18 tuổi ông đã rời quê hương vào đến tận Sài Gòn để tham gia hoạt động chính trị tại Biệt khu đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1965, sau khi bị giặc bắt, tuyên phạt 1 năm tù treo, ông trốn khỏi Sài Gòn, trở về lại miền Trung tiếp tục tham gia chiến đấu và trở thành chiến sĩ của Đại đội 12, ly 8, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2.

Trung đoàn 1 của ông ngày ấy không phải ngẫu nhiên được gọi với cái tên “Trung đoàn thép” hay “Trung đoàn Ba Gia”, mà bởi vì với tinh thần thép, sự mưu trí, quả cảm, kiên trung của người lính Trung đoàn 1 thà đổ máu chứ không để mất nước đã làm lên chiến thắng Ba Gia (nay là xã Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vang dội vào (tháng 3/1965), tiêu diệt 3 tiểu đoàn chủ lực của địch, là “cú đấm mạnh” góp phần quan trọng đẩy nhanh sự phá sản của chiến lược Chiến tranh đặc biệt trong Chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ.

Tất nhiên, để đổi lấy chiến thương đó, rất nhiều chiến sĩ, trong đó, có những đồng đội cùng đại đội 12 với ông Tần đã hi sinh. Bản thân ông, cũng nhiều lần ở giữa lằn ranh sinh – tử.

Nói về những ký ức bi tráng, ông Tần nhắc ngay đến lần hành quân dừng chân ở Khánh Thượng (nay là xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Điểm dừng chân bị lộ, đại đội ông bị tập kích. Sau những loạt đạn liên hồi từ gần 1 giờ sáng đến trưa cùng ngày, với tinh thần quả cảm, đơn vị hỏa lực của ông dù yếu thế hơn cả nhân lực, vật lực, đã bắn rơi máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều quân địch, nhưng cùng với đó đơn vị ông hi sinh gần hết. Bản thân ông trúng đạn vào ngực, bị thương nặng. “Khi đó, chỉ huy đại đội yêu cầu tôi tìm chỗ trú. Tôi bò được đến một cửa hầm gần đó, nơi có 2 đồng đội là anh Nha (quê Hiệp Đức, Quảng Nam), anh Toại (quê Thăng Bình, Quảng Nam) cũng đang bị thương nặng. Trận chiến giằng co chưa kết thúc. 3 anh em đang thoi thóp thì kẻ địch nã thêm một loạt đạn vào hầm, 2 đồng đội của Tôi hi sinh ngay tại chỗ. Còn Tôi may mắn được người dân cứu và đưa vào trạm gác khi địch đã rút quân. Vết thương không được băng bó, Tôi lịm đi. Có đồng chí tưởng tôi đã hi sinh còn tính đến chuyện đưa đi chôn cất, may thay lúc đó một đồng chí cùng đơn vị kiểm tra thấy tôi còn thở nên đã khiêng đi phẫu thuật. Nhờ vậy mà Tôi còn sống và được trở về, nhưng máu và xương rất nhiều đồng đội Tôi đã mãi mãi nằm lại Khánh Thượng, nhiều người trong số họ mới ngoài đôi mươi”, ông Tần chậm rãi nhớ lại.

Sự hi sinh của các chiến sĩ như những đồng đội của ông Tần nhiều năm đã đổi lại được ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Trở về từ bom đạn, ông Tần tiếp tục có 10 năm làm nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia trước khi về công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam – Đà Nẵng cũ.

Cuốn "nhật ký đồng đội" được ông Tần gìn giữ cẩn thận, từng bức ảnh, từng chuyến đi được ông ghi chép tỉ mẩn để khi không còn đi được nữa, cần thông tin ông vẫn có thể mở ra và tìm lại

Hành trình đi tìm đồng đội

“Chiến tranh lùi xa rồi, thế hệ trẻ bây giờ không thấy khói súng đạn nữa, nhưng với những người còn sống trở về như chúng tôi thì nó như câu chuyện mới ngày hôm qua. Nó rõ nét, và là thôi thúc Tôi đi tìm lại những đồng đội, những người đã ngã xuống để nói với họ là đất nước yên bình rồi”, ông Tần nói và cho biết, hành trình đi tìm lại các đồng đội của ông hóa ra không hề đơn giản. Lặn lội về Hiệp Đức, Thăng Bình để thắp nén hương cho 2 đồng đội (Liệt sĩ Toại và Liệt sĩ Nha) mới hay cả 2 đều không có giấy báo tử, hồ sơ cá nhân bị thất lạc.

Quyết tâm tìm lại đồng đội, để đưa họ được về lại quê hương, gia đình, ông Tần đã trở lại Khánh Thượng, lần theo nhiều nguồn thông tin và tìm được 2 đồng đội mình đang yên nghỉ tại nấm mộ chung của 112 liệt sĩ khác, nhiều người trong số họ không có giấy báo tử.

Kể từ đó, hành trình đi “tìm lại tên” cho đồng đội, đồng chí của ông Tần cứ nối dài. Tìm được thông tin của liệt sĩ nào là ông lại liên lạc với gia đình liệt sĩ đó để đưa các anh trở về. Đến nay, đã có gần 50 liệt sĩ được ông Tần tìm lại và đưa về với gia đình. Với những liệt sĩ không còn người thân, ông rước về thờ và làm giỗ hàng năm. Riêng tại Khánh Thượng, để ghi nhớ những đồng đội đã ngã xuống, ông Tần cùng một số đồng đội còn sống đã đóng góp dựng một bia tưởng niệm mãi mãi khắc ghi công ơn các liệt sĩ.

Đến nay, khi đã 80 tuổi, ông Tần không còn tự chạy xe máy đi hàng trăm km để tìm đồng đội được nữa, thì ông lại hỗ trợ kết nối thông tin để các gia đình các liệt sĩ tiếp tục hành trình tìm lại người thân.

Vào tháng 7 hàng năm, ông Tần luôn làm mâm cơm giỗ chung cho các đồng đội không còn người thân, rồi cùng các đồng đội còn sống ôn lại ký ức hào hùng. “Các chuyến đi của Tôi có thể phải dừng lại bởi tuổi tác, nhưng “hành trình” tìm kiếm các liệt sĩ sẽ vẫn tiếp tục, và Tôi – một cựu chiến binh già vẫn sẽ tiếp tục tham gia hành trình trong khả năng có thể, bằng cách này hay cách khác, để các đồng đội đã ngã xuống được trở về nhà”.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tran-van-tan-nguoi-cuu-binh-voi-hanh-trinh-khong-met-moi-136740.html