Trầm lắng tiếng ghi-ta...

Hà Nội thâm nghiêm và trầm mặc, những ngày đông đượm heo may lại gợi nhớ những tiếng ghi-ta rơi quyện giọt cà-phê. Nhiều góc phố kỷ niệm còn hằn in những quán cà-phê phiêu lãng. Cà-phê sách, cà-phê ảnh, cà-phê sưu tầm tranh, và cà-phê có những cây đàn ghi-ta dành cho các vị khách ngẫu hứng.

Hà Nội thâm nghiêm và trầm mặc, những ngày đông đượm heo may lại gợi nhớ những tiếng ghi-ta rơi quyện giọt cà-phê. Nhiều góc phố kỷ niệm còn hằn in những quán cà-phê phiêu lãng. Cà-phê sách, cà-phê ảnh, cà-phê sưu tầm tranh, và cà-phê có những cây đàn ghi-ta dành cho các vị khách ngẫu hứng.

Bạn sẽ thấy dòng chảy của cuộc sống chậm lại, bằng những giọt đàn. Thật thế, bởi sau chuỗi ngày mưu sinh nhọc mệt, ta cho phép lòng lắng lại. Hai chữ “mưu sinh” tạm lùi xa, cảm thức muốn rộn lên trong tâm hồn được khơi lửa, thậm chí muốn trở thành một người nghệ sĩ, dẫu chỉ trong chốc lát. Anh bạn tôi là kỹ sư xây dựng, dẫu anh có đôi bàn tay chai sần và đôi mắt hằn in chằng chịt lo toan vất vả, nhưng vẫn không từ bỏ tình yêu với ghi-ta. Cây ghi-ta theo anh trên những công trình tuổi đôi mươi, ngân lên trong bao đêm lạnh công trường và khơi ngọn lửa ấm cho những người công nhân bám trụ lại cho kịp tiến độ để mai kia công trình được khánh thành sớm. Nhà anh ở góc phố thân thuộc, có cây cơm nguội đứng đó, là chứng nhân của biết bao trai gái hẹn hò. Và trên căn gác nhỏ, anh có tới bảy cây đàn các loại để có thể tấu lên trong đêm. Khác hẳn vẻ ngoài xù xì bụi bặm, anh có tâm hồn rất nghệ sĩ. Tiếng đàn làm trong và khiến đêm phố lãng mạn hơn. Tiếng ghi-ta còn đẩy làn gió lạnh vào sâu những ngõ phố và nếp nghĩ, để người ta cảm nhận sâu hơn giá trị của những phút thư thái trong cuộc sống này.

Bởi thế, nơi những quán cà-phê như là điểm hẹn của nhiều khách quen, anh cũng sẽ tặng cho bạn bè phút giây lặng trầm bên cây đàn. Tâm hồn tôi mỗi lúc như thế cũng muốn trở về với những hoài niệm một thời xưa cũ, giống như anh, như cây đàn. Cây đàn hóa cổ điển trong dòng chảy của thời gian và tốc độ đô thị hóa nhanh đến khủng khiếp.

Anh bạn làm tôi nhớ tới thuở cây ghi-ta trở thành đặc sản của biết bao nam thanh nữ tú Hà Nội. Đó là hồi đầu năm 1972, nhóm “Nhất cầm” - nhóm ghi-ta gồm bảy nghệ sĩ nổi tiếng chơi đàn làm nức lòng bao thanh niên Hà Nội. Cây ghi-ta ngân tiếng trong những buổi lao động tập thể, những đêm văn nghệ nơi công trường. Nhóm bảy nghệ sĩ trẻ Hà Nội ngày ấy gồm Hải Thoại, Vũ Bảo Lâm, Đặng Quang Khôi, Đỗ Trường Giang, Quang Tôn, Nguyễn Tỵ, Phạm Văn Phúc. Họ còn là những người đã thắp lên phong trào học ghi-ta cho giới trẻ Hà thành. Nhiều lớp học đàn được lập nên để đáp ứng nhu cầu và lan tỏa tình yêu âm nhạc. Ghi-ta trở thành loại nhạc cụ phổ biến đối với nhiều người và trở thành thú chơi nghệ thuật giàu bản sắc. Các nghệ sĩ miệt mài dạy hết lớp này đến lớp khác cho thanh niên, sinh viên và học sinh.

Bạn tôi và nhiều người trẻ khác đã trưởng thành từ những lớp học đàn theo phong trào hồi ấy. Thuở xưa, giới sinh viên chúng tôi đặc biệt thích đàn, vì cây ghi-ta là người bạn giúp họ tâm tình, bày tỏ tình cảm và thỏa mãn nhu cầu giải trí. Tuổi trẻ chúng tôi đã ngân lên ca khúc “Cây đàn sinh viên” do nhạc sĩ Quốc An và Thuận Thiên sáng tác. Nay người biết chơi ghi-ta ít hơn, nhưng tiếng đàn vẫn trở thành đặc sản ở những đêm phố, góc phố và những quán cà-phê ghi dấu một thời trẻ và yêu.

Người ta vẫn nói âm nhạc là thứ ngôn ngữ không biên giới. Còn Hà Nội luôn ẩn chứa những điều giản dị, đẹp đẽ và trầm ấm, như những tiếng đàn góc phố lặng, khi chiếc lá thả lên từng phiến rêu. Mỗi khi ta hòa vào tiếng đàn, ta nhận ra cuộc đời này còn những góc rất khác, ấm, lắng đọng và đáng sống.

NGUYỄN VĂN HỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/38637102-tram-lang-tieng-ghi-ta.html