TPP sẽ hồi sinh?

Sau khi tái đàm phán thành công KORUS và NAFTA, liệu Mỹ sẽ quay lại với TPP?

Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: TL.

Chỉ vài giờ trước “hạn cuối cùng” là nửa đêm Chủ nhật ngày 30-9, các nhà thương thuyết của Mỹ và Canada đã thỏa thuận được những điều kiện để Canada tiếp tục tham gia khu vực thương mại tự do với Mỹ và Mexico; một hiệp định thương mại mới có tên là USMCA (U.S-Mexico-Canada Agreement) sẽ thay thế hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã được thực thi suốt 24 năm qua giữa ba quốc gia láng giềng có giao dịch thương mại hàng năm lên tới 1.200 tỉ đô la.

Nhiều năm trước khi tham gia chính quyền, ông Trump đã không ít lần phê phán NAFTA là “thỏa thuận thương mại tệ hại nhất từng được biết tới”, và đổ tội cho nó đã làm Mỹ mất đi hàng chục ngàn việc làm cũng như gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ với hai nước láng giềng. Ngay khi lên nhậm chức, cùng lúc với việc rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Trump đã yêu cầu thương lượng lại NAFTA và Hiệp định thương mại với Hàn Quốc (KORUS).

So với NAFTA, hiệp định mới sẽ mang lại cho Mỹ một số lợi thế. Nông dân nuôi bò và sản xuất sữa sẽ có quyền tiếp cận rộng hơn thị trường Canada, các công ty dược phẩm có thời gian bảo hộ bản quyền dài hơn (10 năm thay cho 8 năm hiện nay) và các nhà sản xuất xe hơi có lợi thế cạnh tranh hơn. Ngành xe hơi có nhiều thay đổi lớn nhất khi USMCA quy định từ năm 2020, để được hưởng thuế suất 0% trên thị trường Mỹ, Canada và Mexico, xe hơi phải có ít nhất 75% linh kiện được sản xuất ở một trong ba nước này (tỷ lệ hiện hành là 62,5%), đồng thời ít nhất 30% lao động làm nên chiếc xe phải được thực hiện bởi các công nhân có mức lương từ 16 đô la Mỹ/giờ trở lên; tỷ lệ này sẽ tăng lên 40% vào năm 2023.

Chính quyền Trump hy vọng biện pháp mới sẽ ngăn chặn xu thế chuyển hoạt động sản xuất xe hơi và phụ tùng xe hơi từ Mỹ sang Mexico, nơi mức lương công nhân thấp hơn mức lương ở Mỹ. Tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng, quy định mới, tuy có lợi cho người lao động song sẽ làm chi phí sản xuất xe tại Bắc Mỹ tăng lên, khó cạnh tranh nổi trên thị trường quốc tế, và rốt cuộc các nhà sản xuất xe của Mỹ phải giảm hoạt động ở Bắc Mỹ và tăng sản xuất ở châu Á.

Nhìn chung hiệp định USMCA mang lại cho Mỹ một số nhượng bộ nhưng theo giới phân tích, những “thắng lợi” này không quá lớn hoặc quá quan trọng; gần như không đụng đến những khuyết điểm mang tính cấu trúc tiềm ẩn trong cách thức xây dựng chính sách thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đánh giá USMCA là “thành tựu rực rỡ” cho thấy chiến thuật “cứng rắn trong đàm phán”, “sử dụng đòn bẩy thuế suất” đã mang lại kết quả. Các quan chức chính phủ thì nói rằng, với hiệp định USMCA, ông Trump đã làm đúng lời hứa khi tranh cử là đem lại việc làm và thu nhập cho công nhân và nông dân Mỹ. “Hiệp định có tính cột mốc này sẽ đem tiền và việc làm đổ vào nước Mỹ, vào Bắc Mỹ. Tốt cho Canada, tốt cho Mexico”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.

Đáng chú ý là ông tiết lộ Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí thuế suất như một phần của chiến thuật buộc các đối tác phải nhân nhượng. “Không có thuế suất, chúng ta sẽ không bàn về một thỏa thuận”, ông nói. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - nhà đàm phán thương mại số 1 của Mỹ - nói rõ hơn rằng, những thỏa thuận đạt được vào tối Chủ nhật vừa qua là “hình mẫu” (template) cho các hiệp định tương lai, ngụ ý rằng thuế suất vẫn là một biện pháp gây sức ép của ông Trump. Reuters cho biết, ông Robert Lighthizer đang làm việc cật lực để vận động Nhật Bản và châu Âu cùng gây áp lực để buộc Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại, trợ cấp và tôn trọng tài sản trí tuệ. Với hiệp định USMCA bảo đảm cho họ được tiếp tục thâm nhập thị trường Mỹ, Canada và Mexico đã chắc chắn đi theo chiếc gậy chỉ huy của Mỹ.

Huỳnh Hoa

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279594/tpp-se-hoi-sinh-.html