TPHCM sẽ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tầm châu Á

Bức tranh tương lai cho TPHCM như một thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đã phần nào được phác họa tại cuộc gặp gỡ giữa đại diện chính quyền thành phố và vườn ươm doanh nghiệp hàng đầu thế giới từ Thung lũng Silicon, Plug and Play Technology Center, ngày 4-7-2023.

Dữ liệu về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng đổi mới sáng tạo được trình bày khá đầy đủ, hành lang pháp lý và chính sách đã và đang được thiết lập, hạ tầng đang được chuẩn bị, và quan trọng nhất là định hướng phát triển được nêu ra trong cuộc gặp tại trụ sở UBND TPHCM.

Đây là buổi làm việc thứ ba của Plug and Play tại TPHCM, sau hai cuộc gặp gỡ với các trường đại học tại TPHCM vào ngày 1-7 và cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 3-7, mà theo lời ông Jojo Flores, đồng sáng lập của vườn ươm này, là nhằm tìm hiểu về tình hình và xu hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại thành phố để tìm phương án hợp tác. Qua nội dung thảo luận, Plug and Play có lẽ đã tìm thấy một môi trường phù hợp để bước vào.

Ông Jojo Flores, trong phần mở đầu, cho biết ông trở lại châu Á lần này để điều hành việc mở rộng hoạt động của Plug and Play ở đây. “Chúng tôi có năm văn phòng tại Trung Quốc, ba tại Nhật Bản, và một ở Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Đài Loan, và hy vọng sẽ sớm có một văn phòng tại Việt Nam”, ông Jojo Flores nói. Trong một cuộc trao đổi riêng với KTSG Online, ông Jojo Flores cũng đã nói rằng hoạt động của Plug and Play ở Đông Nam Á sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu Việt Nam.

Plug and Play chủ yếu đầu tư giai đoạn đầu vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), và hiện đã đầu tư vào khoảng 2.000 startup, trong đó có 30 doanh nghiệp đã trở thành kỳ lân công nghệ (có giá trị thị trường trên 1 tỉ đô-la Mỹ). “Chúng tôi hàng năm đầu tư vào khoảng 200-250 startup trên toàn cầu, riêng tại châu Á khoảng 30 đến 50 startup”, ông Jojo Flores nói, và cho biết đây là lúc Plug and Play đầu tư vào Việt Nam. Để chuẩn bị cho bước đi này, Plug and Play cần tìm hiểu chính sách của TPHCM liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Từ nền móng ban đầu…

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM, đã trình bày tóm tắt về hệ sinh thái và khởi nghiệp, các hoạt động khoa học-công nghệ có liên quan, theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại cuộc trao đổi.

Theo ông Dũng, từ mấy năm qua, TPHCM đã đề ra định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vì nhận thấy với các điều kiện hiện có, thành phố có nhiều tiềm năng thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp công nghệ mới. Tại thành phố có trên 100 trường đại học và cao đẳng trong mọi lĩnh vực chuyên môn, có 600.000 sinh viên đang theo học, có 43 vườn ươm doanh nghiệp, và sự tham gia của hơn 200 quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Hàng năm thành phố có khoảng 50 cuộc thi startup, thu hút hàng ngàn các dự án tham gia.

Theo ông Dũng, trong vòng 5 năm qua, số vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào thành phố đã tăng gấp năm lần. “Riêng năm 2021, số vốn này là 831 triệu đô-la Mỹ, và năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, con số này giảm còn 591 triệu đô-la Mỹ”, ông nói. Năm 2022, TPHCM được xếp hạng 110 trong số các thành phố trên toàn thế giới có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, và hy vọng thứ bậc xếp hạng sẽ nằm trong khoảng 80 đến 90 trong năm 2023.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (thứ hai, từ phải sang) tại buổi gặp gỡ và làm việc với Plug and Play Technology Center. Trong ảnh, từ trái sang: Ông Jupe Tan, Thành viên quản lý khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Plug and Play; ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, Cố vấn cấp cao của Innovation Services Center (ISC); Ông Jojo Flores, Nhà đồng sáng lập Plug and Play; ông Nguyễn Việt Dũng (bìa phải), Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM.

Hiện nay, tại thành phố có khoảng 2.000 startup, chiếm khoảng 50% con số của cả nước, và trong số 4 kỳ lân công nghệ ở Việt Nam, thì 3 là ở TPHCM. Thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên và cộng đồng. Song song đó, thành phố bằng những chính sách ưu đãi thuế cũng khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia đầu tư, cũng như các doanh nghiệp, nhất là khối FDI, thành lập quỹ đầu tư khoa học-công nghệ.

Tỏ ra hứng khởi với việc thành phố khuyến khích doanh nghiệp FDI thành lập quỹ đầu tư khoa học-công nghệ, ông Jojo Flores muốn tìm hiểu sâu hơn về các quỹ này, số vốn đã đóng góp, cũng như hoạt động của chúng. Ông Dũng cho biết cho đến nay, thành phố đã có 120 quỹ khoa học-công nghệ của các doanh nghiệp, với tổng vốn khoảng 100 triệu đô-la Mỹ. Tuy nhiên, điểm yếu là thành phố chưa tìm ra cách hữu hiệu để tận dụng hoặc hỗ trợ các quỹ này cho mục tiêu phát triển, ông Dũng nói.

Một điểm đáng chú ý khác là thành phố đã đầu tư xây dựng một tòa nhà mới dành cho trung tâm đổi mới sáng tạo TPHCM. Ngoài không gian cho cộng đồng thì có bốn tầng dành cho các nhà đầu tư khởi nghiệp, trong nỗ lực phát triển cơ sở vật chất cho hoạt động này.

…đến định hướng phát triển

Sau khi Chủ tịch Phan Văn Mãi mời đại diện Plug and Play nhận xét hoặc nêu câu hỏi liên quan đến phần trình bày của Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Nguyễn Việt Dũng về tình hình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố, ông Jojo Flores cho rằng thành phố đã có những bước chuẩn bị rất tốt để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, ông Jojo Flores đặt câu hỏi vào thẳng vấn đề: “Chúng tôi có thể tham gia như thế nào? Đâu là những lĩnh vực trọng yếu sắp tới mà chúng tôi có thể hỗ trợ để mang lại lợi ích cho cá nhân các startup cũng như cho thành phố và cả nước?”.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Phan Văn Mãi đã nêu lên những định hướng lớn về các kế hoạch phát triển của thành phố. Theo ông, trong cơ cấu kinh tế TPHCM, lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 60%, và đây sẽ tiếp tục là thế mạnh của thành phố, nhưng được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu để nâng tầm quốc tế cho TPHCM.

“Chúng tôi đang tập trung xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế, thành logistics hub, thành sàn giao dịch hàng hóa quốc tế”, ông Mãi nói.

“Với một đô thị trên 10 triệu dân, TPHCM chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu, nên tôi cho rằng lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực rất tiềm năng cho các startup, bên cạnh những lĩnh vực mà anh Dũng đã trình bày về phát triển startup liên quan đến khoa học sự sống, liên quan đến công nghệ sinh học…”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về pháp lý, theo ông Mãi, Quốc hội mới thông qua Nghị quyết 98, cho phép TPHCM thử nghiệm các cơ chế mới, chính sách mới theo kiểu các sandbox (mô hình thử nghiệm) để phát triển đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

“Trung tâm đổi mới sáng tạo của chúng tôi về cơ bản đã hoàn thành xây dựng, giờ chỉ còn hoàn thiện cơ chế tổ chức hoạt động. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai nhiều mô hình như thế, kể cả khu vực công, khu vực tư, và liên kết công-tư, và chúng tôi cũng đang triển khai Viện Công nghệ Tiên tiến (Institute for Advanced Technologies) trên cơ sở cơ chế tổ chức hoạt động của nó cũng là một sandbox”, ông Mãi nói.

Về mặt chủ trương, chiến lược quốc gia cũng như quyết tâm chính trị, thì TPHCM đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở tầm khu vực châu Á. Đồng thời, TPHCM cũng được xác định sẽ là nơi các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia, các định chế tài chính quốc tế đặt trụ sở. “Chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện pháp lý, hạ tầng kinh tế xã hội, và nguồn nhân lực để thực hiện mục tiêu này”, ông Mãi nhấn mạnh.

Lời mời dành cho Plug and Play

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, TPHCM như một trung tâm đổi mới sáng tạo đang phát triển nên sẽ cố gắng hoàn thiện về pháp lý, chính sách, vai trò hỗ trợ của chính quyền cho các startup. Thành phố cũng mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Plug and Play, mà cụ thể hơn đâu là những yêu cầu, những đòi hỏi làm thế nào để thu hút các quỹ vào đây hoạt động, làm sao để các startup hoạt động hiệu quả hơn, chính quyền cần làm gì…

Với việc Plug and Play muốn xúc tiến việc sớm mở văn phòng tại Việt Nam, như ông Jojo Flores đã nói khi bắt đầu buổi thảo luận, Chủ tịch Phan Văn Mãi nói: “Ở Việt Nam tôi thấy có Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng là những nơi mà các bạn có thể lựa chọn. Về phần mình, chúng tôi muốn mời các anh chọn TPHCM và chúng tôi sẵn sàng đồng hành để làm sao lựa chọn của các anh sẽ trở thành lựa chọn đúng”.

Theo giải thích của ông Mãi, TPHCM có thị trường cho khoa học-công nghệ, cho đổi mới sáng tạo, cho khởi nghiệp; có trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực có thể đáp ứng mục tiêu này. Và quan trọng hơn, một yếu tố giúp cho thị trường này ngày càng rộng mở hơn và ngày càng hấp dẫn hơn, đó là TPHCM có tính kết nối cao với khu vực và quốc tế, và tính kết nối giữa các nguồn lực KHCN, nguồn lực kinh tế…

“Cảm ơn các bạn đã đến, các bạn có thể xem TPHCM là miền đất mới của mình với các cơ hội mới”, ông Mãi phát biểu khi kết thúc buổi gặp gỡ.

Ông Jojo Flores, trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của các trường đại học trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các hoạt động tại UEH và môi trường làm việc tại đây. Tôi đã quan sát hoạt động khởi nghiệp tại các trường đại học trên thế giới trong hơn 15 năm qua, có rất ít trường đại học thành công trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại trường. UEH là một trong số ít trường đại học đang đi theo định hướng đúng đắn và tạo ra giá trị cho xã hội”. Cũng theo ông Jojo Flores, vườn ươm của UEH chỉ mới thành lập được vài năm, còn rất nhiều tiềm năng để có thể phát triển và hoàn thiện. “Hy vọng đây có thể là nơi để tạo ra các kỳ lân của Việt Nam trong tương lai”, ông nói.

* Tại buổi gặp gỡ giữa Plug and Play và doanh nghiệp vào ngày 3-7, với chủ đề “Làm thế nào để công ty khởi nghiệp Việt Nam trở thành kỳ lân công nghệ toàn cầu?”, ông Jojo Flores, nhận xét Việt Nam là một đất nước có dân số trẻ và là một thị trường đầy tiềm năng cho công nghệ. Đặc biệt, Chính phủ đã phát ra nhiều tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và luôn ghi nhận sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp cho sự phát triển của đất nước.

Trong khi đó, các doanh nhân khi trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online đã bày tỏ tin tưởng vào xu hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Ông Võ Quang Huệ, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô, là thành viên Hội đồng Trường Đại học Việt – Đức (VGU) và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), Tổng giám đốc Công ty tư vấn VOCIS, nhận xét: “Tôi tin vào những tài năng của startup trẻ Việt Nam vì các bạn có nền tảng của các môn khoa học tự nhiên không thua kém gì thế hệ trẻ của các nước khác trên thế giới”.

Ông Võ Quang Huệ (phải): “Tôi tin vào những tài năng của startup trẻ Việt Nam. Họ không thua kém gì thế hệ trẻ của các nước khác trên thế giới”.

Trong khi đó, ông Adib Kouteili, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Pebsteel, nhận xét: “Các trường đại học đang hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân trong việc chuẩn bị cho sinh viên bước vào giai đoạn khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Do vậy, Việt Nam đã sẵn sàng và có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này”.

Văn Thắng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-se-tro-thanh-trung-tam-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-khoi-nghiep-o-tam-chau-a/