TP. Hồ Chí Minh: Thông tin về việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại trụ sở công

Chiều nay, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có những giải đáp liên quan đến lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các trụ sở công trên địa bàn thành phố.

Chiều nay, ngày 29/8, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã giải đáp các thông tin liên quan đến điện mặt trời áp mái và tình hình, kết quả lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các trụ sở công.

Trước câu hỏi về công suất lắp đặt, chi phí lắp đặt, số lượng mái, ở những địa chỉ nào, thơi gian thu hồi vốn của điện mặt trời áp mái tại các trụ sở, ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, liên quan đến điện mặt trời áp mái, tổng số trụ sở các cơ quan, đơn vị lắp đặt trên địa bàn thành phố sẽ là 440 trụ sở với tổng công suất lắp đặt khoảng 43,312 MWp, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng (số lượng trụ sở, công suất lắp đặt và tổng mức đầu tư sẽ được chuẩn xác trong quá trình lập dự án đầu tư).

Trong đó, có 65 trụ sở các đơn vị quân đội với tổng công suất 5,4 MWp; 72 trụ sở các đơn vị công an với tổng công suất 6,529 MWp; 57 trụ sở tại các bệnh viện với tổng công suất 9,588 MWp. Còn lại 246 trụ sở các Sở, ban, ngành, UBND các quận huyện và các đơn vị khác với công suất 21,795 MWp.

Ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Phương Duy, Phó Trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm, thông qua việc giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị. Đối chiếu với tuổi thọ hệ thống pin khoảng trên 20 năm thì việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Trước nội dung về hiệu quả của việc thí điểm thế nào? Đại diện Sở Công Thương cho biết, về triển khai thí điểm hệ thống điện mặt trời mái nhà được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương tại Công văn số 3061/VP-KT ngày 15/4/2020 về lắp đặt thí điểm hệ thống điện mặt trời nối lưới cho cơ quan hành chính.

"Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh có tổng công suất hệ thống 21 Kwp; tổng chi phí đầu tư khoảng 550 triệu đồng. Hiệu quả đầu tư, tiền điện trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà năm 2020 là hơn 344 triệu đồng, sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà thì tiền điện năm 2021 là gần 200 đồng; năm 2022 là gần 214 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, tiền điện tiết kiệm được khoảng 130 triệu đồng", đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết.

"Ngoài ra, hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái lắp đặt tại trụ sở UBND quận 3, tổng công suất hệ thống: 31,04 kWp; tổng chi phí đầu tư khoảng 750 triệu đồng. Hiệu quả đầu tư, tiền điện trước khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tiền điện mổi tháng khoảng 93 triệu đồng, sau khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tiền điện mỗi tháng khoảng 85 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi năm tiền điện tiết kiệm được khoảng 93 triệu đồng", đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin thêm.

Trước câu hỏi về việc Nghị quyết 98 cho TP. Hồ Chí Minh thí điểm công suất bao nhiêu? Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà do Bộ Công Thương đang xây dựng thì công suất điện mặt trời của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội sẽ triển khai theo Nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà trong đó có nội dung quy định về trình tự, thủ tục triển khai việc lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sau khi Chính phủ ban hành, Sở Công Thương sẽ công bố thông tin để người dân và doanh nghiệp biết và thực hiện.

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm (Ảnh minh họa).

Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thời gian thu hồi vốn hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 5-7 năm (Ảnh minh họa).

Trước nội dung, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng chỉ xanh thời gian tới có được ưu tiên lắp đặt không? Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh chỉ giao cho UBND Thành phố quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó.

"Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng chỉ xanh, dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có nội dung ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu cần chứng chỉ xanh. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, Sở Công Thương sẽ thông tin đến các doanh nghiệp", đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin.

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-thong-tin-ve-viec-lap-dat-dien-mat-troi-ap-mai-tai-tru-so-cong-342309.html