Tp. Hồ Chí Minh tạo sức bật từ dự án đột phá - Bài cuối: Giải bài toán vốn từ cơ chế mới

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, việc thu hút vốn đầu tư sẽ khó có sự bứt phá nếu không có cơ chế đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh.

Việc thu hút vốn đầu tư sẽ khó có sự bứt phá nếu không có cơ chế đặc thù. Ảnh: BNEWS phát

Việc lên kế hoạch triển khai một loạt dự án rõ ràng sẽ giúp thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế Tp. Hồ Chí Minh bứt phá, tuy nhiên áp lực vốn đầu tư công giai đoạn trung hạn theo đó cũng sẽ rất lớn.

Trên thực tế, Tp. Hồ Chí Minh đã có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông nằm trong quy hoạch nhưng nhiều năm vẫn chưa thể thực hiện được do thiếu vốn. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, việc thu hút vốn đầu tư sẽ khó có sự bứt phá nếu không có cơ chế đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh.

Dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh đang được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt này cho sự phát triển của Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

Gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư tư nhân

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 là khơi thông nguồn lực với nhiều chính sách hoàn toàn mới.

Chẳng hạn, dự thảo Nghị quyết mới cho phép thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa; được áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường bố chính đô thị, đường trên cao.

Đặc biệt, trong dự thảo Nghị quyết mới cũng đề cập đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố được quyết định tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư dự án, trong khi Luật PPP hiện hành thì tỷ lệ này không quá 50%.

Bên cạnh đó, thành phố được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT – hợp đồng được ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước và được thanh toán bằng ngân sách nhà nước để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận theo thỏa thuận tại hợp đồng…

Trong dự thảo Nghị quyết mới có nhiều nội dung chưa có trong quy định trong pháp luật, còn chồng chéo hoặc một số nội dung không còn phù hợp với pháp luật hiện hành. Trong bối cảnh Tp. Hồ Chí Minh có nhiều dự án quan trọng cần nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, các đề xuất trên được cho là rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn này.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, mặc dù các hình thức đầu tư như BOT, BT, PPP thì vốn mồi chủ yếu cũng là đầu tư công, vốn nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là những hình thức thu hút vốn đầu tư của khối tư nhân hiệu quả nhất. Điểm quan trọng, với các nội dung trong dự thảo Nghị quyết được phê duyệt thì sẽ tạo cơ chế đặc biệt và lãnh đạo thành phố theo đó sẽ mạnh dạn hơn trong việc thực thi chính sách.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Về những lo ngại tình trạng trục lợi từ BOT, BT, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng cho biết, dự thảo Nghị quyết mới quy định rất chi tiết, chặt chẽ về thẩm quyền, trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các dự án, chi phí đầu tư… theo hướng minh bạch, bảo đảm lợi nhuận nhất định để nhà đầu tư có lãi nhưng cũng giám sát được.

Cùng với đó, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý. Chẳng hạn như thu phí tự động để giám sát số lượng và tính toán thời gian thực hiện dự án. Những vấn đề này ở từng dự án cụ thể sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm đúng bản chất dự án BOT và huy động được nguồn lực xã hội.

Tăng thêm tự chủ tài chính

Bên cạnh việc tạo cơ chế tháo gỡ điểm nghẽn để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân, dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 cũng quy định một số điểm đáng chú ý để Tp. Hồ Chí Minh tăng tính tự chủ về ngân sách đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.

Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác.

Tp. Hồ Chí Minh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, vay từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp…

Con số này trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 là 90%, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu của thành phố. Để cân đối vốn đầu tư ngân sách nhà nước, đặc biệt là đầu tư hạ tầng, kỹ thuật xã hội, thành phố cần nguồn lực lớn hơn. Do đó, việc nâng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% được cho là rất cần thiết cho sự phát triển của thành phố.

Đáng chú ý, nhiều nội dung liên quan đến đất đai cũng sẽ được tháo gỡ, kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn thu ngân sách đáng kể cho đầu tư phát triển của thành phố sau khi Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến năng lực canh tranh của Tp. Hồ Chí Minh giảm sút xuất phát từ việc doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai. Ngoài nguyên nhân khách quan là quỹ đất hạn chế thì các cơ chế xác định giá đất, quy trình bồi thường, thu hồi đất còn nhiều vướng mắc. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, Tp. Hồ Chí Minh đề xuất các cơ chế tháo gỡ, cho phép thành phố chủ động hơn trong việc bố trí nguồn lực đất đai.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết mới cho phép hộ gia đình, các tổ chức thuê đất hằng năm được áp dụng hệ số theo bảng giá đất; đa dạng hóa phương thức bồi thường để tạo quỹ đất (bồi thường bằng tiền, bằng đất theo cùng loại đất bị thu hồi, và bằng đất khác theo tỷ lệ quy đổi), nhằm cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Song song đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai công khai, minh bạch và liên thông thông tin giữa các đơn vị liên quan để doanh nghiệp, người dân tiếp cận đầy đủ thông tin cũng như giải quyết nhanh các hồ sơ.

Tp. Hồ Chí Minh cũng đề xuất được thu hồi đất ven các đường vành đai, một số công trình để phát triển đô thị, thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây được xem là hình thức để tăng nguồn thu từ quỹ đất đô thị hóa cho ngân sách để đầu tư. Nếu làm được sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này mà vẫn phù hợp với quy hoạch.

Chia sẻ về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 tại buổi họp báo tổ chức tháng 5/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, điểm khác nhau cơ bản giữa dự thảo Nghị quyết mới và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ở chỗ Nghị quyết số 54/2017/QH14 tập trung cơ chế, chính sách tạo nguồn thu cho thành phố, còn Nghị quyết mới cho các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, dự án để dòng đầu tư đi nhanh hơn.

Theo đó, để thu hút đầu tư xã hội, thành phố đề xuất thí điểm các cơ chế TOD, PPP, ưu đãi nhà đầu tư chiến lược, áp dụng khoa học đổi mới sáng tạo. Nếu làm tốt nguồn thu này sẽ thu được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cũng cho rằng, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 được thông qua và áp dụng ngay, thì lần đầu tiên Tp. Hồ Chí Minh có quyền tự chủ rất lớn. Theo đó, hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được Hội đồng nhân dân thành phố phê duyệt để triển khai ngay… Nếu gỡ được được điểm nghẽn cơ chế này, sức hấp thụ vốn của Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng lên ./.

H.Chung/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-tao-suc-bat-tu-du-an-dot-pha-bai-cuoi-giai-bai-toan-von-tu-co-che-moi/295023.html