Tổng LĐLĐ VN: Lấy ý kiến nhiệm vụ trọng tâm của CĐCS, CĐ cấp trên

Sáng 7.12, tại Phú Yên, Tổng LĐLĐ VN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn cơ sở (CĐCS) và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong tình hình mới với sự tham gia của các CĐCS các cấp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đồng chí Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thu Vân.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Trần Văn Lý, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐ VN và đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố, nghiệp đoàn nghề cá...

Ông Nguyễn Duy Vũ - Phó trưởng Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ VN cho biết, hội nghị nhằm thu thập ý kiến đóng góp của đại diện các CĐCS, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, để hướng đến thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, như: Bổ sung Điều lệ Công đoàn; xem xét những bất cập, vướng mắc, vấn đề mới để bổ sung nhiệm vụ CĐCS; xác định nhiệm vụ của CĐCS hiện nay đã phù hợp chưa; đề xuất đổi mới nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu mới; xem xét kỹ sự liên thông giữa các bên trong thực hiện nhiệm vụ trong thực hiện các quy định của pháp luật...

Ông Vũ biết, có ý kiến cho rằng hiện nay CĐCS được giao quá nhiều nhiệm vụ; một số nhiệm vụ quá nặng nề; ban chấp hành của nhiều CĐCS không đủ điều kiện và khả năng thực hiện; đổi mới tập trung vào thực hiện chức năng nào; giảm nhiệm vụ nào của CĐCS theo quy định.

“Tất cả những thắc mắc đó cần các CĐCS tiếp tục cho ý kiến” - ông Vũ đề nghị, và cho biết các CĐCS cần đề xuất, chuyển nhiệm vụ nào lên CĐ cấp trên thực hiện; nhiệm vụ nào thuộc trách nhiệm của CĐ cấp trên phải thực hiện; nhiệm vụ nào CĐ cấp trên chỉ tổ chức hướng dẫn CĐCS thực hiện; nhiệm vụ nào CĐ cấp trên tổ chức cho CĐCS thực hiện...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: PV.

Ông Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng, NLĐ mong muốn khá nhỏ nhoi, khi có tranh chấp, đó là cán bộ CĐCS phải đứng về phía người lao động (NLĐ). “Vì sao không thể ở giữa? Vì khi đã nói là đại diện phải ở bên NLĐ” - ông Tiến nêu ý kiến.

Ông Tiến đề xuất 8 nhiệm vụ trọng tâm của CĐCS (gồm nhóm CĐCS chủ trì và nhóm CĐCS tham gia). Theo đó, nhóm CĐCS chủ trì cần theo dõi giám sát chế độ chính sách; tâp hợp ý kiến, nguyện vọng; đối thoại, thương lượng; bảo vệ quyền lợi người lao động dựa trên nguyên tắc: thiện chí - độc lập – hợp tác... Nhóm CĐCS cần tham gia trực tiếp và huy động sự tham gia của NLĐ; tham gia giải quyết mâu thuẫn: Bất bình và tranh chấp lao động; phối hợp tuyên truyền quyền lợi của NLĐ...

Nhiệt Băng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tong-ldld-vn-lay-y-kien-nhiem-vu-trong-tam-cua-cdcs-cd-cap-tren-580189.ldo