Tổng kết và trao giải cuộc thi viết ký, ghi chép 'Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi'

Sau 1 năm phát động, chiều 23-10, báo Hànôịmới tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết ký, ghi chép 'Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi' trên các ấn phẩm của báo.

Cuộc thi viết ký, ghi chép “Thăng Long - Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của thành phố Hà Nội chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chào mừng thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 63 năm Ngày Báo Hànôịmới ra số hằng ngày đầu tiên (24-10-1957 - 24-10-2020).

Dự lễ tổng kết và trao giải có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền; Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội) Nguyễn Công Bằng; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến; đại diện các nhà tài trợ, các tác giả đoạt giải…

Về phía báo Hà Nội mới có đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Tổng Biên tập báo Hà Nội mới, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, các đồng chí trong BBT báo Hànôịmới, ban tổ chức, hội đồng giám khảo cuộc thi…

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Tổng Biên tập báo Hànôịmới, Trưởng ban tổ chức cuộc thi phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải

200 tác phẩm dự thi

Cuộc thi được phát động từ ngày 24-10-2019, kết thúc đăng bài ngày 31-8-2020. Trong 10 tháng diễn ra cuộc thi, ban tổ chức đã nhận được hơn 200 bài, loạt bài tham gia, không chỉ của tác giả trên địa bàn Hà Nội, mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước và kiều bào nước ngoài cũng tham gia.

Trong đó, có không ít tác giả ngoài 80 tuổi, thậm chí có 2 tác giả đã ngoài 90 tuổi. Một số cây viết sung sức gửi nhiều bài dự thi; đặc biệt có tác giả gửi 8 bài và loạt bài... Ngoài ra, cuộc thi thu hút sự tham gia của những cây bút chuyên viết về Hà Nội, như: Trần Chiến, Văn Chinh, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Hà Nguyên Huyến…

Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Tổng biên tập báo Hà Nội mới Nguyễn Hoàng Long trao giải nhì cho 2 tác giả

Trong số các bài viết gửi về dự thi, 78 bài /loạt bài đã được BBT báo Hànôịmới lựa chọn, thẩm định và biên tập để đăng trên các ấn phẩm của báo Hànôịmới. Nhìn chung, các tác phẩm được đăng báo có nội dung khá, phản ánh đa dạng các lĩnh vực văn hóa, di sản, kiến trúc, nghệ thuật dân gian, đời sống xã hội,… trong chiều dài nghìn năm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, truyền thống tốt đẹp, nếp sống thanh lịch của người Tràng An, những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong các lĩnh vực.

Các tác giả được trao giải ba

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Tổng Biên tập báo Hànôịmới, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh sự tham gia nhiệt tình của các nhà văn, nhà báo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng tác viên thân thiết thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm của họ với Thủ đô nói chung, với tờ báo Hànôịmới nói riêng, đồng thời góp phần làm nên thành công của cuộc thi.

“Không chỉ đề cập đến bề dày lịch sử, văn hóa của thành phố nghìn năm tuổi, nhiều bài dự thi còn đi sâu phản ánh hiện thực cuộc sống hôm nay, những thành tựu trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại..Những bài viết mang hơi thở đời sống, chứa chan tình yêu, niềm tự hào cũng như sự thấu hiểu thành phố trên cả những thành tựu và hạn chế đã lan tỏa giá trị tinh hoa ngàn năm của đất kinh kỳ văn hiến và góp thêm tiếng nói xây dựng cho hành trình kiến tạo Thủ đô trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, một điểm đến thanh bình, thân thiện, một đô thị đáng sống", đồng chí Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Những dấu ấn đậm nét

Sau khi chấm giải, ban tổ chức quyết định trao 2 giải nhì, 3 giải 3, 12 giải khuyến khích. Năm nay, không có tác phẩm lọt vào khung điểm trao giải nhất.

Trong số các tác phẩm đạt giải, nhiều tác phẩm để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả như “Hà Nội của tôi” của tác giả Văn Chinh gây xúc động bởi tính nhân văn, chân thực. Bài viết là tình cảm, góc nhìn xuyên suốt của một người ngoại tỉnh nhập cư vào thành phố, chứng kiến sự phát triển không ngừng của Thủ đô trong nhiều lĩnh vực.

Tác giả Văn Chinh chia sẻ tại lễ trao giải

Hay như tác phẩm “Khi làng lên phố” của Nguyễn Văn Học pha trộn giữa ghi chép và ký đã làm nổi bật cái còn, cái mất trong cơn lốc đô thị hóa các làng ven đô cũng những nỗ lực, cố gắng để giữ gìn văn hóa truyền thống,…

Các tác giả được trao giải khuyến khích

Có tác phẩm đọc xong để lại những cảm xúc bùi ngùi cho người đọc như “Như một phần máu thịt của Thủ đô” của tác giả Uông Thái Biểu viết về những người con Hà Nội ngày đầu đi xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng cực kỳ gian nan, vất vả. Đến nay, tuy không sinh sống và làm việc tại Thủ đô nhưng vẫn được “mẹ Thủ đô” quan tâm, giúp đỡ,…

Trong số các tác phẩm được trao giải, nhiều tác phẩm được sáng tạo một cách công phu. Tác giả ngoài sự hiểu biết còn có sự suy nghiệm quá trình vận động của lịch sử như “Tiếng Thủ đô” của Trần Chiến, “Vượng khí ngàn năm” của Giang Nam,...

Các tác giả được trao giải khuyến khích

Tác phẩm “Những dòng sông ngàn năm văn hiến” của tác giả Bằng Giang cũng là một bài viết công phu, đề cập đến một đề tài hay bởi Hà Nội vốn là thành phố sông hồ, bản thân chữ “Hà Nội” cũng có nghĩa là “trong sông”. Bài viết đã ôn lại lịch sử chống giặc ngoại xâm trên các dòng sông của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời nêu bật những giá trị văn hóa sông nước riêng có của vùng đất này.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tong-ket-va-trao-giai-cuoc-thi-viet-ky-ghi-chep-thang-long-ha-noi-11-the-ky-lang-hon-song-nui-214770.html