Tôn vinh vẻ đẹp của người lính trong đại dịch Covid-19

Với 27 bút ký đẫm hơi thở cuộc sống và hiện thực về cuộc chiến không tiếng súng với 'kẻ thù vô hình' Covid-19 trong tập sách 'Binh pháp chống dịch' (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh (Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP) đã khắc họa vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Mới đây, tác phẩm đã nhận giải C chuyên ngành Văn học Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' giai đoạn 2021-2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh. Ảnh: NVCC

Là người lính Biên phòng nên trong tâm thức, suy nghĩ và hành động của mình, nhà văn đất cảng Phạm Vân Anh luôn hướng về biên cương, hải đảo, về đồng bào dân tộc thiểu số, về người lính quân hàm xanh với tấm lòng sâu nặng và trách nhiệm lớn lao. Tài năng của chị đã được thể hiện qua những tác phẩm văn học, báo chí, điện ảnh... Tấm lòng của chị đã được thể hiện qua nhiều chuyến thiện nguyện tại các vùng biên và gần đây, Giải thưởng Vừ A Dính cũng đã tôn vinh chị với những đóng góp cho cộng đồng. Việc nhận giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương lần này đã mang đến cho chị rất nhiều cảm xúc. Bởi đây là tác phẩm mà chị rất tâm huyết, đặt nhiều kỳ vọng; là bởi tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt và hơn nữa, giải thưởng hướng đến việc học tập và làm theo lời Bác.

Chia sẻ về sự ra đời của cuốn sách, nữ nhà văn cho biết, trong quá trình xây dựng kết cấu cuốn tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” (viết về những đóng góp quan trọng của QĐND Việt Nam trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949, góp phần giúp cách mạng Trung Quốc giải phóng ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông), đồng thời, tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì Covid-19, được chứng kiến những câu chuyện đầy xúc động về những con người tràn đầy tinh thần cống hiến, xả thân vì cộng đồng, trong đó có đồng chí, đồng đội của mình, chị đã cầm bút để viết về họ. “Binh pháp” mà chị muốn nói đến chính là sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân cao cả và lòng nhân ái của người Việt, tinh thần Việt.

Là đơn vị “đỡ đầu” cho cuốn sách, Đại tá Nguyễn Hoàng Sáu, Phó Giám đốc Nhà xuất bản QĐND cho biết, cuốn sách “Binh pháp chống dịch” ra đời rất đúng thời điểm, đã kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ các lực lượng trên tuyến đầu. Qua ngòi bút của nhà văn Phạm Vân Anh, vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong đại dịch càng thêm tỏa sáng mà vô cùng gần gũi, thân thương. Đồng thời, đã cho thấy vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp đa dạng, sự hy sinh, cống hiến trên nhiều lĩnh vực công tác của các đơn vị trong toàn quân, nhất là lực lượng quân y và BĐBP. Hầu hết những chi tiết, sự kiện, con người nổi bật trong cuộc chiến chống đại dịch trên dọc dài đất nước đều được tác giả chắt lọc, gói gọn trong hơn 200 trang viết. Lật mở từng trang sách, mỗi chúng ta chắc hẳn đều rung lên niềm tự hào về khí phách của con người Việt Nam mà ở đó thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào nặng sâu.

Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh (thứ 2, từ phải sang) nhận đỡ đầu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NVCC

Là người đọc rất kỹ cuốn sách “Binh pháp chống dịch", nhà thơ Ngô Đức Hành cho rằng, việc lựa chọn thể loại bút ký đã mang đến cho tác giả nhiều lợi thế khi phản ánh mọi góc cạnh của “cuộc chiến”. Những bài bút ký trong cuốn sách hoàn toàn không có yếu tố hư cấu mà là nhịp thở cuộc sống thực sự đập hôi hổi. “Điều mà tôi ấn tượng với cuốn sách là trách nhiệm xã hội của người lính cầm bút. Với tài năng của mình, nhà văn đã dựng lên bức tranh về lòng quả cảm, chủ nghĩa nhân văn Việt Nam, văn hóa Việt Nam - giá trị cốt lõi để chiến thắng mọi kẻ thù, kể cả Covid-19 là loại kẻ thù mới trong môi trường hội nhập, an ninh phi truyền thống. Thông điệp lớn nhất mà cuốn sách mang đến cho người đọc là tình yêu thương con người. Đây chính là sức mạnh để tập hợp, đoàn kết nhân dân Việt Nam đứng lên chống lại “kẻ thù vô hình” - nhà thơ Ngô Đức Hành nhấn mạnh.

Là cây bút giàu sự trải nghiệm, hơn nữa lại hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật nên từ cách đặt tít đến câu từ trong các bài bút ký của Phạm Vân Anh luôn rất gợi, đầy chất thơ: “Ta thấy gì trong gian khó hôm nay”, “Tình yêu Tổ quốc trên chốt Biên phòng”, “Nét đẹp sau mặt nạ phòng hóa”, “Shipper áo lính”, “Tiếng loa phòng dịch trên biên giới”, “Lặng lẽ chiến sĩ “sao vuông”, “Dặm đường vàng”, “Lính biển trên tuyến đầu”, “Kích hoạt yêu thương”... Những nhân vật trong các tác phẩm của chị hiện lên với vẻ bình dị, với ý chí kiên cường, bất khuất, chỉ biết cứu người, giúp người là trên hết, trước hết. Không hô hào khẩu hiệu, không “đao to búa lớn”, câu chữ của Phạm Vân Anh nhẩn nha, mộc mạc mà sâu xa, thâm thúy. Cuốn sách “Binh pháp chống dịch” đã là một “nốt nhạc” đẹp tấu lên trong một “bản nhạc” đầy niềm tự hào về vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ thời bình.

Tin rằng, với sức sáng tạo của mình, nhà văn Phạm Vân Anh sẽ tiếp tục có những tác phẩm làm đẹp hơn hình ảnh người lính Biên phòng nói riêng, anh "Bộ đội Cụ Hồ" nói chung.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ton-vinh-ve-dep-cua-nguoi-linh-trong-dai-dich-covid-19-post466907.html