Tọa đàm, trưng bày chuyên đề về nhà báo Trương Vĩnh Ký

Sáng 11/9, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm - Trưng bày chuyên đề 'nhà báo Trương Vĩnh Ký'.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TA

Với sự chủ trì, dẫn dắt của GS, TS Đỗ Quang Hưng và bài thuyết trình mở đầu cuộc tọa đàm do diễn giả, nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến trình bày đã giúp cho đại biểu, sinh viên theo học ngành báo chí tham dự tọa đàm hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết buổi tọa đàm là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động của Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhằm mục đích phát huy giá trị di sản báo chí Việt Nam các thời kỳ; tiếp thu và học tập các thế hệ nhà báo đi trước trong việc gây dựng, phát triển sự nghiệp báo chí nước nhà.

Bà Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: TA

Nhà báo Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) còn có tên là Petrus Ký, là một người có kiến thức uyên bác về nhiều mặt, trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học… Ông còn thông thạo 15 thứ tiếng phương Tây, 11 thứ tiếng phương Đông. Ông được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới.

Cuộc đời ông gắn liền với sự phát triển của chữ Quốc ngữ, với việc quảng bá trên báo chí, trên sách vở, trong đó đặc biệt là việc biên soạn sách giá khoa Văn – Sử - Địa bằng chữ Quốc ngữ. Đó cũng là cuộc đời của một người làm báo Việt Nam trong bối cảnh một phần đất nước được cói là nhượng địa của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX.

Diễn giả, Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến trình bày: Petrus Trương Vĩnh Ký và sự nghiệp Văn - Báo - Giáo - Sử. Ảnh: TA

Nhà báo Trương Vĩnh Ký để lại cho hậu thế một gia tài khổng lồ với 118 tác phẩm, gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, phiên âm, dịch thuật trong đó có nhiều tác phẩm bằng Pháp văn.

Nhưng đáng nói nhất là công lao to lớn, vai trò quan trọng của Trương Vĩnh Ký trong lịch sử báo chí nước nhà. Ông thành lập và làm tổng biên tập những tờ báo tiếng Việt đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác. Ông đã đặt nền móng và dốc sức phát triển báo chí Việt Nam theo hướng toàn diện, rộng lớn về quy mô, chặt chẽ về kết cấu, đa dạng về phong cách và thuận tiện, gần gũi, hòa đồng về phương thức tiếp cận bạn đọc.

Tồn tại hơn 44 năm, từ tháng 4/1865 đến tháng 1/1/1910, tờ Gia Định Báo đã đi vào lịch sử cùng với tên tuổi nhà báo Trương Vĩnh Ký như một bằng chứng sống động về tài năng, lao động báo chí, sáng tạo ngôn ngữ trong hoạt động truyền thông, báo chí của người Việt từ 155 năm trước. Ông luôn tìm cách cổ vũ cho sự sử dụng chữ Quốc ngữ. Ông viết trên tờ Gia Định Báo ngày 15-4-1867 “Chữ ấy chẳng khó đâu, ra công học một đôi tháng thì thuộc hết”.

Bản gốc tờ Gia Định Báo trưng bày tại tọa đàm. Ảnh: TA

Những tư liệu, báo chí liên quan đến nhà báo Trương Vĩnh Ký do các đại biểu trình bày tại tọa đàm đã giúp độc giả tiếp cận được một cách đầy đủ hơn một phần di sản thời khởi thủy của báo chí tiếng Việt mà nhà báo Trương Vĩnh Ký là người đã dựng lên cột mốc đầu tiên, để lại những dấu ấn đầu tiên. Tại tọa đàm, Ban tổ chức trưng bày một số hiện vật, ấn phẩm báo chí, tài liệu gốc về nhà báo Trương Vĩnh Ký.

Một số ảnh tại tọa đàm:

Thế Anh

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/toa-dam-trung-bay-chuyen-de-ve-nha-bao-truong-vinh-ky-n21421.html