Tính toán căn cơ để phát triển làng bè

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng chuẩn bị thực hiện khi Đề án quản lý, sắp xếp làng cá bè trên sông La Ngà thuộc các xã: La Ngà, Phú Ngọc... của huyện Định Quán được tỉnh phê duyệt.

Làng bè La Ngà cần sớm được sắp xếp lại. Ảnh:N.Liên

Tình trạng cá bè trên sông La Ngà chết hàng loạt đã gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi thuộc địa bàn các xã Phú Ngọc, La Ngà (huyện Định Quán) trong đầu mùa mưa 2 năm gần đây. Trong khi đó, công tác quản lý làng bè còn nhiều khó khăn.

* Người nuôi cá e dè tái đàn

Sau những lần cá nuôi trên bè chết hàng loạt trong đầu mùa mưa 2 năm liên tiếp (tháng 5-2018 và 2019) trên sông La Ngà thuộc khu vực cầu La Ngà, gây thiệt hại hàng ngàn tấn cá của các hộ dân, đến nay, nhiều hộ dân trở nên e ngại việc tái đàn, một số hộ tái sản xuất với lượng cá rất ít, hoặc các hộ chuyển sang nuôi một số loại cá có giá trị kinh tế thấp như: cá trắm, cá diêu hồng, cá vồ đém...

Trên địa bàn huyện Định Quán có 283 hộ nuôi với 395 bè và trên 2,2 ngàn lồng nuôi với thể tích trên 560 ngàn m3. Trong đó, xã Phú Ngọc tập trung nhiều hộ nuôi nhất với 172 hộ, 222 bè và trên 1,5 ngàn lồng. Xã La Ngà có 61 hộ nuôi với 119 bè và 587 lồng. Số hộ nuôi còn lại nằm rải rác tại các xã Ngọc Định, Thanh Sơn và Phú Cường.

Kể từ sau đợt cá chết vào tháng 5-2019 khiến bè cá trị giá gần 2 tỷ đồng của gia đình ông Lê Thành Tâm (xã Phú Ngọc) mất trắng, đến nay, gia đình ông Tâm vẫn chưa mạnh dạn tái đàn vì sợ con nước dữ quay trở lại. Ông Tâm cho biết, sau đợt cá chết đầu tiên tháng 5-2018, gia đình ông quyết định tăng đàn, mở rộng bè cá, tăng vốn đầu tư với mong muốn “gỡ” lại những thiệt hại ban đầu. Tuy nhiên, chưa kịp gỡ thì đợt cá chết hàng loạt lần thứ hai (tháng 5-2019) tiếp tục cuốn trôi toàn bộ cá của gia đình ông. Không còn đủ vốn và sợ gặp “hạn” lần nữa, đến nay ông Tâm vẫn phơi bè trống.

Giống như ông Tâm, nhiều gia đình nuôi cá bè khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tình trạng này khiến cho dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều ngư dân làng bè bị thất thu vụ cá Tết do không có cá để cung cấp ra thị trường.

* Giải pháp căn cơ cho làng bè

Là đơn vị quản lý lòng hồ Trị An, thời gian qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã tổ chức rà soát, thống kê số hộ dân và ghi nhận thực tế để thành lập Đề án quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, trong đó bao gồm cả khu vực cầu La Ngà. Được biết, đề án đã hoàn thành và đang trình xin chủ trương của UBND tỉnh phê duyệt. Khi đề án được thực hiện, sẽ tạo điều kiện cho các hộ nuôi cá bè yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất khi được bố trí vào vị trí cụ thể. Đây cũng là cơ sở ban đầu để triển khai việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản cho những hộ dân nuôi cá bè.

Ông Phạm Hữu Quyết, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc chia sẻ, nếu đề án quản lý, sắp xếp làng cá bè được thực hiện sẽ giúp địa phương khắc phục được những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước nhiều năm qua. Theo ông Quyết, ngoài tình trạng số lồng, bè tăng nhanh, người dân còn tự ý kéo bè đi nơi khác khiến cho công tác khảo sát, kiểm tra rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại làng cá bè sẽ góp phần hạn chế những rủi ro cho bà con, là cơ sở để thống kê, giải quyết khi phát sinh các vụ việc liên quan đến làng bè.

Theo ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, huyện đang chờ tỉnh sớm phê duyệt Đề án quản lý, sắp xếp làng bè của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai để triển khai sớm, bởi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ đến mùa mưa, thời điểm đầu mùa (tháng 5) thường hay xảy ra thiên tai. Hiện tại, huyện Định Quán vẫn tiếp tục theo dõi, tuyên truyền đến các hộ dân cẩn trọng trong nuôi cá bè.

Tại hội nghị giao ban ngành nông nghiệp tỉnh quý I mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, UBND huyện Định Quán cần lưu ý tình trạng cá bè chết gây dư luận không tốt thời gian qua để sang năm 2020 cương quyết không để xảy ra tình trạng tương tự.

Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn sớm thẩm định và trình dự án để cùng với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và UBND huyện sớm sắp xếp lại làng bè. Trường hợp những hộ dân không thực hiện cần có hướng xử lý, lập biên bản để có cơ sở xử lý. Bên cạnh đó, cần rà soát, hướng dẫn những người chăn nuôi đăng ký theo mẫu, để có cơ sở xem xét khi phát sinh thiên tai, thiệt hại cho người dân.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202002/tinh-toan-can-co-de-phat-trien-lang-be-2987106/