Tình cờ...

Đại dịch Covid-19 đang gây ra quá nhiều hệ lụy cho người dân khắp năm châu. Đó là rủi ro lớn và bất ngờ. Ấy nhưng, nếu nhìn theo góc độ khác, Covid-19 cũng tình cờ mang lại những may mắn khi số thống kê vụ tội phạm, các cuộc xung đột và ô nhiễm môi trường giảm mạnh.

Chỉ mấy tuần qua, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn năm chục nghìn người cùng làn sóng bệnh nhân ồ ạt đổ vào các bệnh viện trên khắp năm châu. Cụ thể hơn, Covid-19 khiến hơn nửa dân số toàn thế giới phải chọn “ở nhà” và hàng triệu nhà máy buộc phải ngừng hoạt động là phương án tốt nhất. SARS-CoV-2 dường như còn muốn đẩy cả hành tinh vào khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Covid-19 xấu xa là thế nhưng nó cũng tạo nên sự đảo lộn bất ngờ, choáng đến nỗi không phải nền ngoại giao, chính trị, công đoàn, các cuộc biểu tình, hay thậm chí cả chiến tranh có thể làm được. Nhiều năm qua, đã vô số hội nghị quốc tế được tổ chức, nhiều cam kết, quyết định chính trị đã được đưa ra nhưng chẳng thể thay đổi tình trạng ô nhiễm môi trường. Đơn cử như, Hội nghị thượng đỉnh LHQ về biến đổi khí hậu (COP-25) ở Tây Ban Nha cuối năm ngoái mới chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, hối thúc đề ra mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính-vốn được cho là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu và làm Trái Đất nóng lên. Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết, cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C.

COP không làm được nhưng Covid-19 vô tình làm được. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện, việc cách ly xã hội, hạn chế phương tiện giao thông khiến chất lượng không khí ở nhiều quốc gia, trong đó có những “ông lớn” xả thải như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Australia, Nhật, Canada lại được cải thiện rõ rệt. Thậm chí, ở Venice (Italy), lệnh dừng phương tiện giao thông đường thủy đã làm nước trong kênh rạch bắt đầu trong hơn, có thể nhìn thấy rõ cá bơi dưới nước...

Bên cạnh đó, Covid-19 còn làm dịu các cuộc xung đột và hạ nhiệt tranh chấp địa chính trị tại những “điểm nóng” trên thế giới. Tình trạng tội phạm trộm cắp, buôn lậu động vật hoang dã, ma túy cũng giảm hẳn trước lệnh phong tỏa cùng với sự kiểm soát chặt chẽ của cảnh sát, lực lượng biên phòng...

Trước sự đảo lộn bất ngờ này, tờ Les Echos của Pháp nhận định rằng, có lẽ trong cái rủi Covid-19, thế giới vẫn còn có cái may. Điều quan trọng là, các quốc gia tận dụng cái may này như thế nào để vừa đập tan Covid-19 và vừa biến đó thành cơ hội phát triển bền vững hơn.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/tinh-co-614235