Tìm về nguồn cội

Theo truyền thuyết, ngày xửa ngày xưa, những cư dân Việt cổ đầu tiên sống thành từng bộ tộc, bộ lạc, săn bắt và hái lượm giữa cõi rừng núi thâm u. Để cải tạo thiên nhiên hung bạo thuở hồng hoang, chống lại các thế lực ngoại bang xâm lấn, và bởi lẽ sinh tồn, các bộ tộc cổ xưa trên đất Việt đã sớm có ý thức cố kết cộng đồng. Các bộ lạc thống nhất, cùng dựng nên nhà nước Văn Lang, người đứng đầu bộ Lạc Việt làm vua, sử sách gọi là vua Hùng. Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời, đến đời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương đời thứ 18) thì Người chỉ còn lại 2 nàng công chúa. Hùng Duệ Vương tuổi già sức yếu, đất nước luôn bị ngoại bang dòm ngó, chiến tranh liên miên. Hùng Duệ Vương mời thần Tản Viên về cung và có ý định nhường ngôi, nhưng Tản Viên đã chối từ.

Tản Viên tâu rằng: “Nhà Hùng làm vua đã lâu, trải mấy trăm năm, đến nay long mạch đã chuyển sang hướng khác, âu đó cũng là số trời. Chi bằng nhà Vua hãy cho mời Thục Phán, vốn cũng là dòng giống trong trăm chi của Lạc Long Quân và Âu Cơ xưa, vẫn là trong tông phái đến mà nhường ngôi có hơn không”. Hùng Duệ Vương đồng ý. Thục Phán cảm kích trước ân huệ Vua Hùng, bèn dựng giao đài trên đỉnh núi Nghĩa để thờ cúng Thành Tổ Hùng Vương, dựng cột đá ở lưng chừng núi để thề non hẹn biển quyết giữ giang sơn. Hiện nay trên đỉnh núi Nghĩa, bên phải đền Thượng cột đá xưa còn đó, người đời sau gọi là cột Đá Thề...

Đền Hùng uy nghiêm trên non thiêng Nghĩa Lĩnh. Từ đây có thể quan sát cả một vùng rộng lớn. Xa xa là dòng sông Thao đỏ nặng phù sa; phía Đông là dòng Lô như dải lụa xanh mát. Hai dòng sông giống như hai chiến hào thiên nhiên bao bọc lấy cố đô Văn Lang. Tương truyền, vua Hùng đã đi khắp mọi vùng trong nước, cuối cùng mới chọn được nơi kỳ thú, đầy khí thiêng sông núi, non nước hữu tình làm chốn đóng đô, dựng nghiệp. Thế nên, dân gian mới gọi nơi này là chỗ “tụ thủy, tụ sơn”…

Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã hai lần về thăm đền Hùng. Lần thứ nhất Bác đến vào 2 ngày 18-19.9.1954 và Bác đã nghỉ qua đêm tại đền Giếng. Bên ngách phải cửa đền, Bác đã ngồi nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong và dặn rằng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lần thứ hai, Bác về vào ngày 19.8.1962, khi ấy Bác đã yếu, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt nên khi lên đến đền Hạ muốn xin Bác nghỉ và mời Bác xuống núi. Bác nói: “Leo núi phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở giữa chừng, đã đi phải tới đích cuối cùng”. Bác căn dặn lãnh đạo tỉnh: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”…

Năm nay cũng như bao năm, bao thế kỷ đã qua, những con dân đất Việt lại hành hương tìm về nguồn cội - về với đất Tổ, thắp nén linh nhang kính thỉnh các vua Hùng, bồi hồi đọc lại câu ca dao như một lời nhắc nhủ: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Lịch sử như dòng sông chảy mãi, đắp bồi, lắng đọng đằng sau nó những trầm tích, huyền tích đẹp đẽ về một Thời Đại Hùng Vương. Xa xôi mà gần gũi, bởi nơi đây là nơi hội tụ của ngày xưa, ngày nay và mãi mãi, là nguồn cội chung của hàng triệu triệu người con đất Việt.

Đất nước ta trong những năm qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng chúng ta vẫn là một nước đang phát triển, còn bộn bề nhiều nỗi lo toan. Chúng ta là một dân tộc có bề dầy văn hóa nhưng tâm thế, kinh nghiệm hội nhập vẫn còn non trẻ. Và trên bước đường phát triển vẫn còn đó bệnh quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lối sống xa hoa, sa đọa… đang cản trở, đòi hỏi chúng ta phải tuyên chiến mạnh mẽ để dọn đường, vượt lên. Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường lịch sử phát triển đáng tự hào của dân tộc và cũng là dịp để mỗi chúng ta tự soi mình.

Quốc Thái

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/tim-ve-nguon-coi-i367327/