Tìm đường xuất khẩu chính ngạch cho quả dứa

Dứa là cây trồng chủ lực được phát triển theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tuy nhiên trong nhiều thời điểm, người trồng dứa (chủ yếu ở huyện Mường Khương và huyện Bảo Thắng) phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì giá dứa giảm.

Anh Hảng Chớ ở thôn Na Lốc 4, xã Bản Lầu (huyện Mường Khương) cho biết: Vụ này, gia đình trồng hơn 4 vạn giống, sản lượng khoảng 20 tấn, giá bán trung bình 3.000 đồng/kg. Cả vụ dứa, gia đình thu được 60 triệu đồng, lỗ 10 triệu đồng. Tôi mong các cấp, các ngành quan tâm, đưa ra giải pháp để quả dứa có thị trường ổn định.

Vụ này, gia đình anh Tẩn Văn Dũng ở thôn Nậm Sưu, xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) cũng trồng 4 vạn cây dứa. Do trồng rải vụ nên đợt này, gia đình anh Dũng dự kiến thu khoảng 6 tấn dứa quả. Giá dứa thấp, anh chọn cách bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai. Theo anh Dũng, dứa đem bán lẻ giá cao hơn (khoảng 5.000 đồng/kg) nhưng mất nhiều công, chủ yếu “lấy công làm lãi”. Nếu giá dứa tiếp tục giảm, gia đình sẽ chuyển sang loại cây trồng khác.

Không chỉ anh Chớ, anh Dũng mà hầu hết các hộ trồng dứa trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bảo Thắng đều lo lắng khi giá dứa thiếu ổn định. Nhiều nông dân có phương án chuyển đổi cây trồng.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá dứa giảm do cung vượt cầu. Khi vùng trồng dứa của tỉnh bước vào vụ thu hoạch thì cũng là lúc nhiều vùng trồng dứa trên cả nước thu hoạch chính vụ. Trong khi đó, quả dứa tươi chưa được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân vùng trồng dứa, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhà máy chế biến dứa mới đáp ứng được khoảng 50% sản lượng, muốn có thị trường ổn định, giá dứa tăng thì phải tìm đường xuất khẩu quả dứa tươi, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Để làm được điều này, người trồng dứa buộc phải tuân thủ các quy định về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hàng hóa của họ, từ đó mới được cấp mã số vùng trồng. Đây là quá trình dài và cần sự chủ động của cấp ủy đảng, địa phương cũng như người dân. Ngành nông nghiệp sẽ sớm tham mưu cho tỉnh việc rà soát, xây dựng, chuẩn hóa quy trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tỉnh đã làm việc với các thương vụ, Đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin tình hình các mặt hàng nông sản của tỉnh, trong đó có quả dứa. Sở Công Thương cũng tổ chức nhiều đoàn công tác tới các thị trường Úc, Canada, Ấn Độ, châu Âu… để tìm đầu ra cho quả dứa nói riêng và các loại nông sản của Lào Cai nói chung. Trước mắt, thị trường tiêu thụ dứa vẫn gặp khó khăn nhưng về lâu dài có thể tìm được hướng để ổn định đầu ra.

Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh. -

Trong bối cảnh công nghiệp chế biến dứa chưa đáp ứng được kỳ vọng thì việc các cấp, các ngành, các địa phương tìm kiếm giải pháp xuất khẩu chính ngạch loại quả này là cần thiết, qua đó giúp người dân yên tâm sản xuất, duy trì diện tích dứa, phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/tim-duong-xuat-khau-chinh-ngach-cho-qua-dua-post367666.html