Tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Sáng 28-9, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (LSQSVN) tổ chức Hội thảo khoa học 'Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427)-Giá trị lịch sử và hiện thực' nhằm trao đổi, thảo luận và thống nhất đánh giá tầm vóc, vị trí, vai trò quan trọng của anh hùng dân tộc Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu là các giáo sư, phó giáo sư, nhà nghiên cứu, chuyên gia sử học đến từ các viện nghiên cứu, hội, ngành Trung ương và địa phương; các trường đại học cùng các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học trong và ngoài quân đội.

Hội thảo đã nhận được gần 60 tham luận tâm huyết của các tác giả là các đồng chí lãnh đạo các địa phương, các quân khu, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, người làm công tác quản lý… Các tham luận gửi tới hội thảo thể hiện rõ sự kế thừa kết quả nghiên cứu về khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ 15 với quan điểm và phương pháp luận khách quan, khoa học, toàn diện, lịch sử, cụ thể. Đồng thời với các phương pháp tiếp cận và tư duy mới, dựa trên những tư liệu có độ tin cậy cao.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá, Tiến sĩ Trương Mai Hương, Phó viện trưởng Viện LSQSVN đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận vào các chủ đề chính: Làm rõ bối cảnh, tình hình Đại Việt/Đại Ngu cũng như âm mưu và quá trình thực hiện kế hoạch xâm lược của nhà Minh đầu thế kỷ 15; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò, tính chất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; bước phát triển nghệ thuật quân sự độc đáo của Khởi nghĩa Lam Sơn trong tiến trình lịch sử Việt Nam; vai trò lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Bộ Tham mưu nghĩa quân trong việc hoạch định đường lối, xây dựng căn cứ địa, tập hợp quần chúng, xác định phương thức tiến hành và chỉ huy cuộc khởi nghĩa; tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn, những bài học kinh nghiệm trong xây dựng thế trận lòng dân, thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại hội thảo, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Minh Đức, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự cổ-trung-cận đại, Viện LSQSVN cho rằng, trước khởi nghĩa Lam Sơn đã xuất hiện nhiều phong trào chống Minh, nhưng vì thiếu sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân nên đều bị kẻ thù đàn áp. Từ đây sứ mệnh lịch sử được giao lại cho Lê Lợi và những người đồng chí hướng.

Còn Đại tá, Thạc sĩ Phạm Anh Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Nghệ thuật quân sự, Viện LSQSVN lại khẳng định cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo sau 10 năm chiến đấu bền bỉ, gian khổ và ngoan cường đã giành thắng lợi vẻ vang. Trong đó, nghệ thuật giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn thể hiện rõ nét, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm lịch sử quý báu…

Tại hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo khẳng định: Hội thảo “Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427)-Giá trị lịch sử và hiện thực” đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu quý báu được nghiên cứu bằng các phương pháp truyền thống và hiện đại, thông tin đa chiều, toàn diện đã và đang thể hiện tính đúng đắn, gần với lịch sử hơn. Những nghiên cứu về khởi nghĩa Lam Sơn ngày càng được triển khai sâu rộng, tìm kiếm nguồn tư liệu ở nhiều nơi, vùng, miền khác nhau dần mang đến sự thuyết phục công luận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít vấn đề về khởi nghĩa Lam Sơn cần được nghiên cứu kỹ hơn như một số địa danh, nhân vật lịch sử chưa có sự thống nhất.

Sau cuộc hội thảo, ban tổ chức mong muốn các đại biểu tiếp tục sưu tầm, cung cấp thêm những tư liệu, sự kiện liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn để các cơ quan, đơn vị đánh giá, thẩm định bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử trọng đại này, đồng thời làm cơ sở phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Tin, ảnh BÍCH TRANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/tiep-tuc-khang-dinh-vai-tro-y-nghia-cuoc-khoi-nghia-lam-son-550691