Tiên phong trên tuyến đầu Đông Bắc

Quảng Ninh có vị trí địa chính trị và những đặc thù riêng biệt về miền đất - con người, vùng kinh tế và quốc phòng, an ninh chiến lược, bao trọn vùng Đông Bắc Tổ quốc. Với đường biên giới đất liền giáp với Trung Quốc dài 118,825km và trên biển có đường phân định vịnh Bắc Bộ dài trên 191km, BĐBP Quảng Ninh luôn đặt trọng tâm vai trò tiên phong trong công tác cửa khẩu, đối ngoại.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới. Ảnh: TTH

Bước vào năm 2020, Quảng Ninh đối mặt với tình hình an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp sớm nhất, là tuyến đầu ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể uy hiếp các mặt của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước. Nắm giữ cửa ngõ thông thương biên mậu và cửa khẩu lớn nhất tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại Móng Cái, BĐBP Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ công tác, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, từ đó, tạo đà cho tái thiết kinh tế, lập lại ổn định đời sống xã hội.

Trong bối cảnh an ninh chính trị thế giới thay đổi từng giờ, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới cũng nảy sinh các hoạt động đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, nhất là tình hình trên Biển Đông. Nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự trên biên giới, biển đảo trở thành thách thức lớn của BĐBP Quảng Ninh trên tất cả các mặt công tác.

Trên tuyến đầu Đông Bắc, BĐBP Quảng Ninh tiếp tục đấu tranh thực hiện thỏa thuận song phương, cơ chế chính sách biên mậu, đẩy mạnh thông tin bảo vệ chủ quyền vùng biển và tiễu trừ hoạt động các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm công nghệ cao hoạt động xuyên biên giới. Bên cạnh đó, những người lính trên tuyến đầu Đông Bắc tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn hoạt động vi phạm chủ quyền đánh bắt thủy sản của tàu cá nước ngoài và chấn chỉnh hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân; thường xuyên giữ môi trường thuận lợi, an toàn trên vùng cảng biển, hải đảo cũng như biên giới đất liền của tỉnh Quảng Ninh.

Các điểm nhấn trong công tác tham mưu, đề xuất của Đảng ủy BĐBP Quảng Ninh 5 năm qua tập trung vào việc mở, nâng cấp, xác định phạm vi khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới, báo cáo đề xuất với Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư kinh phí, trang bị hệ thống kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu, cảng biển, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ. Cho đến nay, công năng của các cơ sở này vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thông thương biên mậu.

Trên nguyên tắc tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới, vùng biển, đảo theo pháp luật và các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, BĐBP Quảng Ninh duy trì thực hiện tốt các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới. Đơn vị cũng quản lý, duy trì thực hiện Hiệp định về tàu thuyền đi lại tại khu vực tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân, đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát và phối hợp tuần tra song phương nhằm giám sát chặt chẽ các công trình thi công trên biên giới, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu...

Ngoài ra, BĐBP Quảng Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 28-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Với mục tiêu “Nâng cao chất lượng công tác cửa khẩu trong tình hình mới”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu.

Đóng quân tại các cửa khẩu, làm nhiệm vụ kiểm soát gồm đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên trách đã được kiện toàn gắn với chấn chỉnh về lễ tiết, tác phong trong quản lý, kiểm soát người, phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu, lối mở, đảm bảo chặt chẽ, thông thoáng, nhanh gọn, đúng quy trình nghiệp vụ, pháp luật và văn minh. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí, tạo thuận lợi cho giao thương, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội, mở cửa và hội nhập quốc tế, mà còn giảm hẳn nhũng nhiễu và tiêu cực.

Việc hiện đại hóa công tác kiểm soát cửa khẩu đã giữ vững hình ảnh, môi trường đầu tư, kinh doanh, phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác cửa khẩu cảng biển của BĐBP đã đóng góp đáng kể cho hình ảnh một địa phương có chỉ số đầu tư cao, môi trường kinh tế thông thoáng như Quảng Ninh.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã được đầu tư lắp đặt 6 hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động và phần mềm kiểm soát mới trên môi trường mạng Internet. Trong 5 năm qua, BĐBP tỉnh đã kiểm soát 31.067.409 lượt người và 312.883 lượt phương tiện xuất nhập cảnh. Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trang bị, nâng cao năng lực ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong công tác kiểm soát xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, cảng biển, đảm bảo luật pháp được thực thi nghiêm minh.

Tiên phong và tích cực đi đầu trong đổi mới công tác cửa khẩu, BĐBP Quảng Ninh đã trở thành hình mẫu về cơ chế biên mậu thông thoáng với quốc gia láng giềng. Từ đó, tạo đà phát triển cho các vùng dân cư biên giới của cả hai quốc gia, đồng thời, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị bằng nhiều hoạt động thương mại và ngoại giao nhân dân, dẫn tới hoạt động tội phạm thuyên giảm, cơ chế chính sách đối với khu vực biên giới của Đảng và Nhà nước ta vững bước trên mục tiêu đúng hướng, đúng đường lối chính trị.

Đảng ủy BĐBP Quảng Ninh đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng và tham mưu cho địa phương đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân hai bên biên giới. Bên cạnh đó, chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng cả về đối tượng, hình thức, phương pháp trong thực hiện các hiệp định, quy chế biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa dịch bệnh. Việc này giúp kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trên biên giới, cửa khẩu, bảo đảm đúng nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt, không để xảy ra đối đầu, căng thẳng. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy trì có nền nếp quan hệ trao đổi, hoạt động giao lưu mô hình “Chung tay kết nghĩa đồn – trạm (chi đội) hữu nghị, cùng nhau xây dựng biên giới bình yên, giao lưu công tác chính trị giữa hai bên, các hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới được đẩy mạnh...

Cho đến nay, BĐBP Quảng Ninh có 7 cặp đồn, hải đội kết nghĩa với lực lượng bảo vệ biên giới phía Trung Quốc, 8 cặp cụm dân cư hai bên biên giới (7 cặp cấp thôn, bản và 1 cặp cấp xã) đã tổ chức kết nghĩa và có hoạt động phối hợp công tác thường xuyên, hiệu quả. 5 năm qua, đã có 279 đoàn công tác, 1.963 thư trao đổi, 1.213 cuộc gọi điện thoại qua đường dây nóng giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, tiếp nhận 820 người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc và trao trả 400 người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tiếp tục kế thừa truyền thống và phát huy thành tựu công tác chỉ đạo của Đảng ủy BĐBP Quảng Ninh nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng toàn diện, nghiêm túc. Quán triệt trong Đảng bộ các Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Ninh, của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các nghị quyết mới về an ninh, quốc phòng. BĐBP Quảng Ninh tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, tham mưu quản lý Nhà nước về biên giới, nhất là chủ trương, đối sách chỉ đạo, xử lý kịp thời các vấn đề phức tạp xảy ra trên biên giới, vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ninh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tien-phong-tren-tuyen-dau-dong-bac-post430272.html