Tiện cả đôi đường

Minh bạch và cập nhật kịp thời mọi thông tin về tình hình học tập của con em ở trường cũng như giảm áp lực đáng kể về công tác sổ sách cho giáo viên là những ưu điểm của phần mềm sổ liên lạc, sổ điểm và học bạ điện tử đang được ngành Giáo dục Hà Nội triển khai và áp dụng đại trà bắt đầu từ năm học 2016 - 2017 này.

Hết lo gian lận điểm số

Ứng dụng CNTT trong dạy, học và công tác quản lý giáo dục là 1 trong 7 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học 2016 – 2017 của ngành Giáo dục Thủ đô. Vì thế, sau việc triển khai ứng dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến vào các lớp mầm non, lớp 1 và lớp 6 vừa qua thành công, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai việc quản lý sổ điểm, học bạ điện tử và sổ liên lạc điện tử đại trà đối với cấp THCS, THPT, GDTX trong năm học 2016-2017 này. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, trước đó, một số trường ở Hà Nội đã triển khai áp dụng sổ điểm, sổ liên lạc điện tử theo nhu cầu, khả năng của mỗi trường và được Sở GDĐT khuyến khích. Tuy nhiên, đến năm học này, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sổ điểm, học bạ và thiết lập sổ liên lạc điện tử là bắt buộc.

Thử nghiệm sổ liên lạc điện tử.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, phần mềm CNTT này kết nối và cung cấp tài khoản cá nhân cho mỗi phụ huynh để có thể truy cập nắm được tình hình học tập, rèn luyện của con em mình thay vì chỉ biết thông tin vào cuối mỗi học kỳ theo cách truyền thống. “Học bạ điện tử sẽ kết nối với sổ liên lạc điện tử. Phụ huynh sẽ được thông báo điểm số, mức độ chuyên cần của học sinh, thời khóa biểu, thông báo nghỉ học hay các nội dung cần thiết khác” - ông Phạm Xuân Tiến cho biết. Đồng thời, việc cung cấp thông tin sổ liên lạc điện tử là miễn phí. Như vậy, dù ở bất cứ đâu, phụ huynh cũng có theo dõi tình hình học tập, rèn luyện của con em mình được thường xuyên.

Đặc biệt, với việc ứng dụng sổ điểm, học bạ điện tử, những hành vi gian lận về điểm bài thi hay bài kiểm tra của học sinh sẽ được hạn chế tối đa. Bởi, theo phần mềm này, mỗi giáo viên chỉ được cấp một tài khoản để đăng nhập, cập nhật thông tin của lớp và môn mình dạy. Phần mềm này chỉ cho phép giáo viên nhập điểm và xem điểm của môn họ dạy, không xem được môn khác. Phần mềm cho phép sau 1 tuần nhập điểm, sẽ “đóng băng” điểm số. Trong thời gian 1 tuần này, học sinh nếu có nhu cầu phúc tra thì có thể được giáo viên chấm lại và thay đổi điểm. Sau thời điểm này, giáo viên chỉ có thể sửa chữa điểm nếu được sự đồng ý của Ban giám hiệu. Tuy nhiên, việc sửa chữa này sẽ lưu lại và hoàn toàn có thể kiểm soát ai sửa điểm, sửa thời điểm nào, từ máy tính nào và khôi phục lại được số liệu cũ đề phòng bất kỳ tình huống nào có thắc mắc. Với cách thức này, giáo viên không thể tự ý điều chỉnh điểm số của học sinh như cách vào điểm trên sổ điểm giấy hiện nay.

Bên cạnh đó, việc bảo mật thông tin trên phần mềm quản lý sổ điểm, học bạ cũng đã được Sở GDĐT và đơn vị cung cấp phần mềm tính toán kỹ để tránh tình trạng thư rác hoặc bị “hacker” tấn công. “Phần mềm quản lý giáo dục được thống nhất trên hệ thống phần mềm ESAM là phần mềm dùng chung cho tất cả các sở, ngành trên địa bàn Thành phố. Các thông tin được cập nhật qua phần mềm này đều được chuyển vào kho dữ liệu chung của Thành phố nên công tác an ninh, bảo mật đặc biệt được chú trọng” - ông Phạm Xuân Tiến khẳng định.

Giáo viên đỡ áp lực sổ sách

Trên các diễn đàn giáo dục, nhiều giáo viên và quản lý của các trường đều cho rằng việc sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử là quyết định sáng suốt của Sở GDĐT Hà Nội. Bởi, theo hình thức truyền thống thì mỗi giáo viên sau khi cho điểm, phải mất nhiều thời gian để tính điểm cho từng học sinh, chưa kể vào cuối học kỳ, cuối năm học, công việc này trở lên “quá tải” khi mỗi giáo viên bộ môn phải phụ trách vài lớp và mỗi lớp có từ 40-50 học sinh. Trong khi, mỗi lớp lại chỉ có một sổ điểm cái. Các giáo viên phải phân chia nhau để vào điểm cho học sinh, nếu trường hợp một giáo viên bộ môn tính nhầm điểm cho một học sinh thì hầu hết các công đoạn phải làm lại, rồi tẩy xóa, sửa chữa…

Do đó, việc sử dụng sổ điểm điện tử sẽ rút ngắn các khâu vào điểm, đồng thời phần mềm cũng tự động tính toán điểm học kỳ cho học sinh rồi chuyển sang học bạ nên giảm rất nhiều áp lực cho giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm trong việc tính điểm trung bình các môn, xếp loại học lực, xếp hạng... của học sinh mà vẫn bảo đảm tính chính xác. Điều này đã khiến giáo viên phấn khởi.

Bên cạnh đó, phần mềm này cũng giúp người làm công tác quản lý có thể dễ dàng kiểm tra được tiến độ vào điểm, quản lý được sai sót của giáo viên cũng như chiết xuất, in và đóng dấu rồi nộp lên cấp trên.

H.Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tien-ca-doi-duong-43633.html