Tiệm cận chuẩn các nước trong khu vực và thế giới

Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho giáo dục đại học (GDĐH) là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kỹ năng... tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành, khối ngành, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam cho giáo dục đại học (GDĐH) là bộ tiêu chí với khối lượng, chuẩn đầu ra, yêu cầu kiến thức, kỹ năng... tiệm cận theo chuẩn của các nước trong khu vực và thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo (CTĐT) cho các ngành, khối ngành, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, những thập kỷ gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung trình độ quốc gia với mục tiêu bảo đảm trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu kinh tế - xã hội, có chất lượng tốt, cung cấp sự linh hoạt và tiến bộ cho người học và có được sự công nhận quốc tế. Trong tiến trình hội nhập, Việt Nam cần đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) với mục tiêu nhằm phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và GDĐH của Việt Nam. VQF góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; làm căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở giáo dục, chuẩn đầu ra của CTĐT cho các ngành, nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực...

Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy, đại diện đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và triển khai VQF cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung trình độ quốc gia, hướng đến thúc đẩy công nhận lẫn nhau cũng như thúc đẩy dịch chuyển lao động. Việc thực hiện VQF có ý nghĩa quan trọng trong việc công nhận lẫn nhau và bảo đảm nguồn nhân lực của mỗi quốc gia, dần nâng chuẩn cũng như tiệm cận khu vực và thế giới. Quá trình đó, bảo đảm sự minh bạch trong các trình độ đào tạo, sự liên thông giữa các trình độ đào tạo cũng như thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời đối với người học. Người học khi nhìn vào chuẩn chương trình, chuẩn đầu ra, họ biết được có thể làm được gì sau khi hoàn thành CTĐT. Về phía doanh nghiệp, có thông tin rõ ràng về các loại nhân lực họ cần sử dụng cho thị trường hiện tại và tương lai. Đối với các cơ sở đào tạo, sẽ thiết kế và phát triển CTĐT dựa trên chuẩn CTĐT, trong đó bảo đảm sự gắn kết giữa giảng dạy, học tập và đánh giá, trên cơ sở các chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định gắn với VQF...

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GDĐH (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) Lê Đông Phương cho rằng: Về cơ bản chuẩn đầu ra của đại học Việt Nam lâu nay không thống nhất, có nơi chương trình dành cho cử nhân, cao đẳng được thiết kế còn lớn hơn cả chương trình đào tạo thạc sĩ. Không thống nhất thì khó đánh giá được chất lượng đào tạo và chất lượng người học. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tạo hệ thống bài bản cho chuẩn CTĐT các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là cơ hội đặt lại vị trí các trình độ, muốn thành công phụ thuộc rất nhiều vào chuyên gia đầu ngành và chủ sở hữu lao động. Đồng quan điểm cần có tầm nhìn xuyên suốt giữa các trình độ, Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác đánh giá cao tinh thần triển khai kế hoạch của Bộ GD và ĐT và sự cần thiết ban hành khung CTĐT nhằm kiểm soát chất lượng và được quốc tế công nhận. Đồng thời, đại diện Bộ Y tế đề xuất cần thành lập 12 hội đồng tư vấn riêng cho 12 mã ngành trình độ đại học trong khối ngành y dược vì đặc thù mỗi ngành khác nhau. Do những đặc thù, nghiệp vụ riêng, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị cần có cơ chế, hướng dẫn riêng.

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Văn Phúc, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện, Bộ GD và ĐT mong muốn các bộ, ngành liên quan sẽ tham gia sâu vào quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Sau khi ban hành chuẩn CTĐT, tất cả cơ sở GDĐH sẽ rà soát, cập nhật, điều chỉnh, thiết kế chương trình đào tạo, để đáp ứng chuẩn tối thiểu, phù hợp yêu cầu của thị trường và đặc trưng riêng, từ đó bảo đảm chất lượng chung của trình độ đại học trên cả nước. Điểm mới của VQF so với Chương trình khung đã ban hành trước đây là VQF sẽ ban hành chuẩn CTĐT tiếp cận theo chuẩn đầu ra, căn cứ vào yêu cầu của thị trường và sẽ do các trường, hiệp hội, người sử dụng lao động tham gia xây dựng. Tên môn học, số tín chỉ sẽ được điều chỉnh tùy thiết kế riêng của từng CTĐT chứ không quy định cứng. Như vậy, chuẩn CTĐT mới sẽ tạo điều kiện cho sự linh hoạt, sáng tạo, đặc sắc của từng trường nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra chung và hội nhập với các nước. Bộ GD và ĐT tiếp thu các ý kiến, bảo đảm đặc thù nhưng cũng đề nghị các bộ chuẩn bị, đề xuất số lượng ngành, khối ngành, các vấn đề liên quan đến hội đồng tư vấn. Trên cơ sở đó, Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai xây dựng CTĐT. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành thành lập các hội đồng tư vấn khối ngành để xây dựng chuẩn chương trình. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT sẽ thành lập các hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định và ban hành các chuẩn mực để làm cơ sở, các bộ, ngành cùng chỉ đạo cơ sở GDĐH rà soát, cập nhật, đổi mới CTĐT phù hợp chuẩn chương trình.

QUỲNH NGUYỄN và THÙY DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/44948602-tiem-can-chuan-cac-nuoc-trong-khu-vuc-va-the-gioi.html