Tích cực vận động nhân dân giao nộp vũ khí tự chế
Chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 26-5 đến 17-6), qua 3 buổi phát động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại các xã Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Nông, Công an huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã thu được 100 vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh việc tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế, bà con còn báo tin với ngành chức năng vị trí của 2 quả bom, 8 đầu đạn còn sót lại sau chiến tranh đang nằm trong rẫy cà phê của người dân.
Những con số trên cho thấy số lượng vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà người dân sở hữu còn lớn. Vũ khí tự chế ở địa bàn này là công cụ của bà con các dân tộc dùng để săn bắt thú rừng, khi lên nương rẫy. Nó được xem là “vật bất ly thân” của bà con và hằng ngày họ cất giấu kín đáo ở chòi canh trên nương rẫy, rất ít khi mang về nhà.

Người dân tự nguyện giao nộp vũ khí tự chế cho Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trong những năm qua, ở Kon Tum đã xảy ra nhiều vụ thương vong do vũ khí tự chế, trong đó, chủ yếu ở các huyện biên giới Ia H’Drai, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Đăk Glei, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhằm hạn chế những vụ mất an toàn do vũ khí tự chế gây ra, Công an huyện Ngọc Hồi và một số đồn biên phòng ở Kon Tum đã tổ chức lễ phát động người dân giao nộp. Tại các buổi phát động, ngành chức năng đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua các buổi tuyên truyền, bà con hiểu rõ về sự nguy hiểm nên đã tự nguyện đem giao nộp hàng trăm vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, những buổi lễ phát động này còn ít; diễn ra nhỏ lẻ ở một số địa bàn nên chưa tạo được phong trào rộng khắp trong quần chúng nhân dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ mất an toàn do vũ khí tự chế, tạo nên phong trào tự nguyện và tố giác các trường hợp tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế…, ngành chức năng cần tổ chức nhiều hơn, quy mô hơn những buổi phát động người dân giao nộp.