Thưởng lãm sắc xuân trong hội họa

Mừng xuân Giáp Thìn 2024, họa sĩ trên cả nước đã cùng khoe tài, dâng đời nhiều họa phẩm xuất sắc trong các triển lãm mỹ thuật.

Công chúng tham quan Triển lãm "Xuân Hà Nội".

Đây cũng là dịp để những người sáng tạo giao hòa cùng đất trời mùa xuân luôn vận động, phát triển, sinh sôi.

1. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cho biết: Mùa xuân là một nét đặc trưng riêng có, là nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ. Có nhiều tác phẩm văn học-nghệ thuật về mùa xuân của các nghệ sĩ đã đi vào tâm thức của mỗi người. Với nghệ thuật tạo hình, không khí, cảnh sắc, sự giao hòa của mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ sáng tác. Mạch nguồn đó chưa bao giờ ngưng nghỉ.

Khó có thể thống kê hết các tác phẩm hội họa về mùa xuân trong nền mỹ thuật Việt Nam bởi số lượng quá lớn. Nhân dịp đón Xuân Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Triển lãm "Xuân Hà Nội" với hơn 30 tác phẩm nổi tiếng được chọn lọc từ bộ sưu tập mỹ thuật hiện đại và các bức tranh dân gian Hàng Trống. Công chúng có dịp chiêm ngưỡng lại các tác phẩm hội họa, đồ họa đặc sắc về mùa xuân và nét đẹp văn hóa truyền thống Thủ đô gắn với tên tuổi của các danh họa: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Trần Lưu Hậu...

2. Đón xuân mới, nhiều sáng tác mới của các họa sĩ đương đại cũng được giới thiệu dịp này. Tiêu biểu là Triển lãm tranh sơn mài "Chào xuân 2024" tại Trung tâm Nghệ thuật Văn Lang (Hà Nội); Triển lãm "Mùa xuân-con giáp năm 2024" do Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức; Triển lãm "Duyên xuân" của nhóm họa sĩ Đà Nẵng...

Các tác phẩm là những cảm nhận sâu sắc, sự rung cảm của trái tim nghệ sĩ trước cảnh đẹp thiên nhiên, đất nước và con người với những đổi thay khi mùa xuân về. Bằng ngôn ngữ hội họa qua các chất liệu lụa, sơn dầu, acrylics, màu nước, phấn tiên, từ phong cách tả thực, ấn tượng cho đến trừu tượng, những bức tranh mang lại nhiều cảm xúc thiện lành, bình yên và niềm hy vọng cho cả người vẽ lẫn người thưởng lãm. Dù vẽ phong cảnh hay con người thì ngập tràn trong các bức tranh được triển lãm dịp này là gam màu tươi sáng được các tác giả thể hiện đầy màu sắc và tinh tế.

Điểm nhấn của các triển lãm là sự phong phú về chất liệu, song nổi bật hơn cả là các tác phẩm tranh sơn mài. Dường như trong không khí đón Tết cổ truyền, chất liệu truyền thống sơn mài giúp các họa sĩ nói lên chiều sâu cảm nghĩ về con người, thiên nhiên, được thể hiện tinh tế với sơn then, sơn cánh gián, son, bạc thếp, vàng thếp, khảm vỏ ốc, trai, trứng... Mỗi tác giả, mỗi bức tranh mang đến một phong cách tạo hình riêng, đưa người xem đến với những cảnh vật và con người Việt Nam gần gũi mà bình dị qua những nét bút điêu luyện, tư duy nghệ thuật cao và giàu cảm xúc.

Những họa sĩ nổi bật của tranh sơn mài như Công Quốc Hà vẫn thể hiện sự đều tay với những bức tranh về mảng đề tài phố phường Hà Nội, tranh tĩnh vật đẹp và hiện đại. Họa sĩ Văn Chiến được giới chuyên môn đánh giá cao về mảng tranh sơn mài phong cảnh. Qua các bức phong cảnh đồng quê, những ngõ phố Hà Nội, những cảnh sinh hoạt dung dị hằng ngày như "Trừu tượng phố", "Mùa hạ", "Cô gái hoa", "Chợ làng", "Những người phụ nữ"... họa sĩ Văn Chiến đã làm phong phú thêm ngôn ngữ sơn mài Việt Nam.

3. Linh vật rồng biểu tượng cho năm Giáp Thìn 2024 cũng đã được các tác giả thể hiện đầy màu sắc và tinh tế qua Triển lãm "Vẽ con rồng" đang diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Qua cách nhìn của người trẻ, con rồng trong các tác phẩm trở nên gần gũi hơn, gắn với những ý nghĩa mới hay hóa thân vào các nhân vật trong cuộc sống hằng ngày, cả trong phim hoạt hình, truyền thuyết, trò chơi dân gian... Điểm nhấn là các họa sĩ trẻ đã sử dụng kiểu vẽ kỹ thuật số. Lối vẽ này vừa bảo đảm nhanh, vừa thể hiện được phong cách, cá tính của họa sĩ. Với cách tiếp cận nghệ thuật đương đại của người trẻ, hình ảnh linh vật rồng khác hơn, cách điệu hơn đã tạo ra cảm giác mới mẻ. Khi nét vẽ mới hòa trong không gian cổ kính, truyền thống lại càng tôn lên sự đặc biệt này và đây là điều các không gian di sản cần khai thác để làm mới trong mắt du khách tham quan.

Theo nhận xét của Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương: "Các họa sĩ đã lấy chất liệu trong truyền thống như rồng thời Lý, rồng thời Lê... để thể hiện hình ảnh rồng hôm nay. Những cảm thức về linh vật qua sự sáng tạo của giới trẻ giúp cho các tác phẩm giữ được tính biểu tượng, bên cạnh đó lại có những hình ảnh gần gũi, gắn với các trò chơi dân gian. Hình ảnh con rồng vẫn giữ được vẻ đẹp thiêng liêng nhưng cũng gần gũi, mang đến cho người xem những cảm nhận về sức sống mới trong năm Giáp Thìn. Tôi nghĩ các giá trị văn hóa đang định hình trong những hoạt động sáng tạo này".

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuong-lam-sac-xuan-trong-hoi-hoa/d20240215201832362.htm