Thượng đỉnh Liên Triều: Sớm có thỏa thuận quân sự

Đích thân Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ra đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân có chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Khoảng 9h40 phút sáng ngày 18/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng phu nhân đã chính thức có chuyến thăm Bình Nhưỡng.

Đích thân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, phu nhân Ri Sol-ju, cùng các quan chức cấp cao và đội nghi thức Triều Tiên và hàng trăm người dân Triều Tiên đã tiếp đón Tổng thống Moon theo nghi thức trọng thể, nồng ấm.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại sân bay Bình Nhưỡng. Ảnh: Sky News

Sau lễ tiếp đón, hai nhà lãnh đạo di chuyển trên hai xe khác nhau tiến về nhà khách Paekhwawon ở Thủ đô Bình Nhưỡng để tiến hành các phiên họp trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba.

Phái đoàn Hàn Quốc tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần này bao gồm 110 quan chức và nhân viên Nhà Xanh, cùng với một số lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như tập đoàn công nghệ Samsung.

Theo lịch trình được phát ngôn viên Nhà Xanh Im Jong-seok công bố, phiên họp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sẽ diễn ra sau buổi tiệc trưa. Vào sáng 19/9, cuộc gặp thứ hai giữa hai ông Kim-Moon sẽ được tiến hành.

Ông Im Jong-seok cho biết: "Chúng tôi dự kiến một thỏa thuận về quân sự có thể đạt được nhằm hòa dịu căng thẳng và ngăn chặn xung đột vũ trang.

Nếu các cuộc đối thoại diễn ra tốt đẹp, các lãnh đạo có thể tổ chức họp báo chung vào thứ 4".

Dự kiến Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều lần này sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề chính: Cải thiện quan hệ Hàn-Triều, thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều hướng tới phi hạt nhân hóa, và giảm căng thẳng quân sự hai miền bán đảo.

Chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng lần này được cho là một thách thức không nhỏ với các nhiệm vụ quan trọng: giữ hòa hảo cho sự tiếp xúc giữa Triều Tiên và Mỹ; tăng tốc các dự án hợp tác liên Triều, tái khẳng định mối quan hệ ổn định với Triều Tiên.

Tổng thống Moon Jae-in được đón tiếp theo nghi thức trọng thể nhất. Ảnh: Reuters.

Đặc biệt, việc thực hiện tuyên bố Panmunjom, ký tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4/2018 giữa lãnh đạo hai nước ở khu phi quân sự Bàn Môn Điếm cũng sẽ là một trong những nội dung nổi bật.

Đặt trọng tâm vào hợp tác liên Triều, xây dựng lòng tin, từ đó tiến tới thực hiện kế hoạch phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và hiệp ước hòa bình chính thức cho Chiến tranh Triều Tiên - cuộc chiến kết thúc vào năm 1953 bằng một lệnh ngừng bắn tạm thời - là quan điểm nhất quán của Tổng thống Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Roman Lobanov của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga vẫn cho rằng không kỳ vọng vào những bước đột phá ấn tượng tại Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.

Việc Mỹ và Hàn Quốc không cho rằng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc không phải là một điều kiện đối với việc Triều Tiên giảm căng thẳng hoặc phi hạt nhân hóa. Đây là điều Bình Nhưỡng không thể hiểu được và là một rào cản lớn.

“Cả Bình Nhưỡng và Seoul luôn sẵn sàng tiếp tục cuộc đối thoại, nhưng khả năng giảm đáng kể căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên lại không có bất cứ tác động gì tới các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng của cả Mỹ, Hàn Quốc lẫn Liên Hiệp Quốc. Thực tế này cản trở mọi hình thức hợp tác kinh tế" - ông Lobanov giải thích.

Giáo sư Andrei Lankov tại Đại học Kookmin ở Seoul, cũng hoài nghi về kết quả hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới.

"Các biện pháp trừng phạt Triều Tiên được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2017 khiến cho mọi dự án hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trở nên bất hợp pháp. Rõ ràng, kết quả thượng đỉnh giữa Bình Nhưỡng và Seoul lần này sẽ chỉ giới hạn trong tuyên bố duy trì tình hữu nghị và tăng cường giao lưu văn hóa" - ông Lankov dự đoán.

Đội tuyển liên Triều tham gia Á vận hội Jakarta Palembang (Indonesia). Ảnh: Yonhap

Trong thời gian trước khi diễn ra thượng đỉnh liên Triều, hôm 14/9, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng đã khai trương Văn phòng liên lạc chung liên Triều tại khu công nghiệp Kaesong thuộc lãnh thổ Triều Tiên.

Đây là một trong những điều khoản trọng tâm của Tuyên bố chung Panmunjom được lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí tại cuộc Hội đàm thượng đỉnh ngày 27/4 tại làng đình chiến Pamunjom.

Việc quan chức của hai miền Triều Tiên thường trú tại Văn phòng liên lạc và có thể thảo luận thường xuyên 24/7 được cho là sẽ mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Văn phòng liên lạc chung liên Triều sẽ là nơi tổ chức các cuộc thảo luận để thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom như hợp tác lâm nghiệp, dự án hiện đại hóa và kết nối tuyến đường bộ, đường sắt liên Triều, cũng như tổ chức các cuộc thảo luận hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai khi vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên tiến triển.

Hàn Quốc cũng xúc tiến hợp nhất thi đấu với Bắc Triều Tiên ngay từ vòng loại Olympic Tokyo 2020.

Bộ trưởng Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc Do Jong-hwan cho biết, h trong đợt Á vận hội Jakarta Palembang (Indonesia) diễn ra vào tháng trước, đội tuyển hai miền đã hợp nhất một cách gấp gáp, nên còn bị nhiều hạn chế do bị giới hạn về số lượng thành viên thi đấu. Do vậy, lần này Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Do Jong-hwan cho biết Hàn Quốc mong muốn đồng đăng cai Olympic 2032 với Bắc Triều Tiên và dự kiến sẽ đề xuất việc này với miền Bắc.

Trong khi đó, tin tức về thương vụ trị giá 2,1 tỷ USD của Mỹ và Hàn Quốc với 6 máy bay trinh sát săn ngầm P-8A Poseidon đã làm gia tăng quan ngại về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngay trước giờ diễn ra Thượng đỉnh liên Triều.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thuong-dinh-lien-trieu-som-co-thoa-thuan-quan-su-3365697/