Thúc đẩy đầu tư hợp tác lĩnh vực thiết bị y tế, tiếp thị giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc)

Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Việt (Hiệp hội Đài - Việt) và Hiệp hội Giao lưu Văn hóa Kinh tế Thương mại Đài Loan – Myanmar (Hiệp hội Đài Loan-Myanmar) vừa tổ chức buổi Hội thảo doanh nghiệp đầu tư theo chính sách Tân hướng Nam tại Đại học công lập Kinh tế Đài Bắc.

Nội dung buổi hội thảo tập trung vào lĩnh vực y tế và đổi mới tiếp thị. Các chuyên gia phân tích thị trường thiết bị y tế, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp và chính sách thương mại RECP với các lĩnh vực y khoa, trong mô hình kinh doanh thương mại điện tử mới... Hiệp hội Đài – Việt và Hiệp hội Đài Loan – Myanmar sẽ đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thương mại B2B, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường theo chính sách hướng Nam mới.

Đại sứ Nguyễn Anh Dũng - Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc, khuyến khích và đón chào các doanh nghiệp Đài Loan đến Việt Nam để phát triển thương mại và đầu tư. Trong đó, Hiệp hội Đài – Việt chính là cầu nối giao thương hợp tác hỗ trợ giữa chính quyền Việt Nam và Đài Loan, sẽ giúp được cho doanh nghiệp có được nhiều thông tin làm nghiên cứu khảo sát thị trường trước khi vào đầu tư hoặc phát triển thương mại.

Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo. Ảnh: Hiệp hội Đài - Việt

Bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài Việt đã chỉ ra lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, Việt Nam thực hiện chính sách cải cách mở cửa vào năm 1985, đã tiến hành các quốc sách nền tảng như mở cửa kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, duy trì ổn định chính trị, chính sách này vẫn được duy trì cho đến nay, giúp đất nước: chính trị ổn định, xã hội ổn định, nhân dân an sinh.

Năm 2008, Việt Nam gia nhập WTO, các nước thấy được sự lạc quan trong cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nên đã đổ xô đầu tư vào nơi đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng vì vậy mà phát triển vượt bậc. Việt Nam cũng đã đón chào nguồn đầu tư từ nước ngoài này, tích cực tham gia thúc đẩy tổng hợp kinh tế khu vực. Việt Nam còn là nước thành viên của ASEAN, có mạng lưới FTA hoàn chỉnh. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Việt Nam là nước được hưởng lợi, chuyển dịch thương mại rõ ràng, vốn nước ngoài tăng trưởng ổn định, dần hình thành ngành sản xuất chế tạo tập trung.

Bà cũng đã nhắc tới lợi thế về môi trường đầu tư của Việt Nam, Việt Nam có nguồn nhân lực gấp 4 lần Đài Loan, diện tích đất đai gấp 9 lần Đài Loan, tài nguyên phong phú, lợi tức dân số cao, tố chất nhân lực cao. Việt Nam chú trọng giáo dục, đặc biệt là ngoại ngữ, bao gồm tiếng Trung, nguồn nhân tài dồi dào, có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư, cùng với đó là người dân hai nước có mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, nên đây sẽ là môi trường tốt cho doanh nghiệp Đài Loan đầu tư, sinh sống. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam đã có nhiều, thuận tiện cho việc giúp đỡ, hợp tác với nhau, Việt Nam vẫn là lựa chọn đầu tư hàng đầu của các nhà đầu tư Đài Loan, ước đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phát triển trong ít nhất 10 năm nữa.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Châu Âu vào ngày 30/6/2019. Hiệp định FTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Hiệp hội Đài – Việt sẽ đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thương mại B2B, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường theo chính sách hướng Nam mới.

Tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp cũng đã thay đổi hình thái sản xuất và xu thế tiêu dùng toàn cầu. Các ngành nghề phát triển không đồng đều, hiện tượng các doanh nghiệp cùng ngành hợp tác hoặc doanh nghiệp khác ngành cùng liên minh đã trở thành một hướng đi mới trong việc nỗ lực thử nghiệm phương pháp kinh doanh mới. Các cách tiếp thị truyền thống đang dần bị “đào thải”, thay vào đó là kết nối với mạng lưới internet và sàn thương mại điện tử.

Điều quan trọng hơn hết là một chuỗi, khối khu công nghiệp mang tính an toàn hơn đang “chớm nở”, chính vì vậy, khi bước vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Đài Loan trước tiên cần phải nghiên cứu kế hoạch. Hiệp hội Đài – Việt chính là cầu nối giữa chính quyền Việt Nam và Đài Loan, các doanh nghiệp có thể tham khảo các thông tin liên quan mà Hiệp hội cung cấp, để khảo sát đánh giá về việc tiến vào thị trường Việt Nam.

Hiệu trưởng trường Đại học Quốc lập Thương nghiệp Đài Bắc, ông Trương Thụy Hùng bày tỏ, nhà trường hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan đào tạo nhân tài, có các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Nhà trường cung cấp các khóa học về ngôn ngữ, thương mại và kỹ thuật, cùng với nguồn trợ cấp từ chính phủ cho chương trình đào tạo nhân tài theo chính sách hướng Nam mới, giúp các doanh nghiệp Đài Loan có thể nắm bắt nhiều cơ hội phát triển tại nước ngoài hơn.

Hiệp hội Đài – Việt được thành lập vào ngày 6/10/2016, trong 5 năm qua Hiệp hội đã nhận được sự hỗ trợ từ Ủy viên Văn phòng Lập pháp, ông Chung Gia Pin, cùng với sự ủng hộ của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc - Đại sứ Nguyễn Anh Dũng.

Hiệp hội đã tích cực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, giáo dục và hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Đài Loan, mỗi năm có khoảng 20 sự kiện, hoạt động giao lưu về kết nối cơ hội đầu tư, thương mại, hội thảo giáo dục, đào tạo nhân lực, giao lưu văn hóa...

Phạm Lý

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/thuc-day-dau-tu-hop-tac-linh-vuc-thiet-bi-y-te-tiep-thi-giua-viet-nam-va-dai-loan-trung-quoc-133080.html