Thừa mà vẫn thiếu

Trong khi nhạc trẻ Việt Nam khá sôi động với nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ liên tục cho ra mắt những ca khúc mới lạ thì lĩnh vực nhạc dành cho thiếu nhi hầu như bị bỏ ngỏ. Tại các cuộc thi, hội diễn, đa số các em thường hát những bài của người lớn. Phải chăng vì thiếu vắng các bài hát mới nên các em phải lựa chọn những bài không hợp lứa tuổi?

Sau khi giành độc lập dân tộc, âm nhạc Việt Nam bước vào một thời kỳ mới trong đó có nhạc thiếu nhi. Sáng tác cho tuổi nhỏ phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhạc sĩ cả nước. Những bài hát được trẻ em biết đến nhiều như: Em bay lên trong đêm pháo hoa của Hàn Ngọc Bích; Cho con của Phạm trọng Cầu; Em là bông hồng nhỏ của Trịnh công Sơn; Bác Hồ - Người cho em tất cả, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác của Hoàng Long - Hoàng Lân; Trái đất này là của chúng mình, Màu mực tím của Trương Quang Lục; Cánh én tuổi thơ, Chú voi con ở bản Đôn của Phạm Tuyên… Những sáng tác trong giai đoạn này có những đề tài hết sức phong phú, nhiều vấn đề trong sinh hoạt, tình cảm, học hập của thiếu nhi được đề cập đến một cách mềm mại, sâu sắc. Lời ca, nhịp điệu giàu chất thơ, dễ thuộc, dễ hát đến với trẻ em một cách tự nhiên, hấp dẫn. Trong đó phải kể đến những bài như: Đi học, Hạt gạo làng ta, Bụi phấn, Ngày đầu tiên đi học... Phong trào ca hát của thiếu nhi cũng rầm rộ đến từ các Nhà thiếu nhi như Cung thiếu nhi Hà Nội, các câu lạc bộ Họa Mi, Sơn Ca, các đội thiếu niên nhi đồng từ các quận, huyện…

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, những người quan tâm tới lĩnh vực này đều có chung một nhận định: Âm nhạc thiếu nhi thừa mà thiếu, thiếu mà thừa. Nhạc sĩ Hoàng Lân đánh giá, những bài hát đã có đời sống thì thường lặp lại trong các hội diễn, trong khi số bài mới quá nhỏ nhoi và chất lượng lại chưa tốt, thường chỉ xuất hiện một lần rồi “biến mất”. “Hiện nay, người chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều nếu có thì ít bài có sức lan tỏa rộng, hầu hết chỉ được phổ biến thu gọn trong một địa phương hoặc vùng nhỏ. Một số bài có lời ca còn rất thô thiển, âm nhạc lai căng, dễ dãi, ít tính thẩm mỹ, đôi khi phản cảm, thiếu tính giáo dục… Đặc biệt, loại bài hát dành cho lứa tuổi Trung học phổ thông còn hiếm hoi. Chính vì thế, tại nhiều chương trình, hội diễn, các em hát toàn bài của người lớn, cả nội dung và nghệ thuật đều quá sức, quá tải” – Nhạc sĩ Hoàng Lân cho hay.

Đồng quan điểm với nhạc sĩ Hoàng Lân, PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai - Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW băn khoăn, mặc dù số lượng bài dành cho thiếu nhi cũng không ít, nhiều bài có chất lượng nghệ thuật cao nhưng dường như có nghịch lý là các bài hát cho thiếu nhi hay cho học sinh phổ thông lại khó đến với các em, hầu như các em ít được tiếp xúc với những tác phẩm mới. PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai lo lắng: “Hiện tượng các em học sinh (có cả học sinh lớp 1) tại một trường Tiểu học ở Hà Nội thuộc và đồng thanh say sưa hát bài “Chắc ai đó sẽ về” của Sơn Tùng MTP viết cho lứa tuổi thanh niên, có những lời ca về tình yêu “anh xa em quá, em xa anh quá” khiến nhiều người lo ngại trẻ nhỏ có xu hướng thích những bài hát người lớn”.

Hiện nay cũng có nhiều nỗ lực của các cấp, ngành, cá nhân nhằm đẩy mạnh lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi. Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thường xuyên phát động phong trào sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi, thầy cô, mái trường.

Trong thời đại công nghệ thông tin rất phát triển hiện nay, sự xuất hiện những trang webđề cập tới âm nhạc thiếu nhi và các vấn đề giáo dục âm nhạc khá bổ ích đối với những người làm âm nhạc thiếu nhi, các giáo viên âm nhạc phổ thông và các em học sinh yêu thích ca hát. Tác phẩm thiếu nhi vẫn được sáng tác đều đều với nhiều cây bút mới, họ là các nhạc sĩ, là các giáo viên âm nhạc, cán bộ Nhà văn hóa các tỉnh, thành phố... Rải rác có những bài hát xuất hiện trong các hội diễn thiếu nhi học sinh địa phương một đôi lần và chất lượng cũng khá tốt, tiếc rằng những bài như thế không có điều kiện phổ biến rộng rãi. “Trẻ em đang rất cần âm nhạc, loại âm nhạc phù hợp với lứa tuổi, có chọn lọc, có tính nghệ thuật cao và tính giáo dục để đồng hành trong đời sống văn hóa xã hội tiến kịp với thời đại. Sứ mệnh cao quý này đang trông chờ các nhạc sĩ, đặc biệt là lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay” – nhạc sĩ Hoàng Lân cho biết.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thua-ma-van-thieu-65488.html