Thói quen khó đổi

Lâu nay, phần lớn người dân theo nghề trồng trọt đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

Nông dân từng bước tiếp cận sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ, an toàn

Nông dân từng bước tiếp cận sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ, an toàn

Với những người dân trồng lúa, bình quân mỗi vụ thường bơm thuốc từ 1-8 lần và thấp nhất chừng 3 lần/vụ. Mùa vụ trồng sắn, người dân thường bơm 1 lần. Đối với cây lạc thường được bơm từ 2-3 lần cho một mùa vụ kéo dài 3 tháng. Đối với rau màu lại có mức độ sử dụng thuốc BVTV khá cao, trung bình được bơm từ 5- 10 lần. Trong điều kiện biến đổi khí hậu làm cho sâu bệnh ngày càng nhiều và còn xuất hiện một số bệnh lạ, nên người dân buộc phải sử dụng thuốc BVTV nhiều hơn nhằm đảm bảo năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Đáng nói phần lớn nông dân đều sử dụng thuốc BVTV dựa trên kinh nghiệm, thậm chí lạm dụng thuốc gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe và môi trường.

Đánh giá từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, với tình trạng trên không phải là do người nông dân không hiểu biết mà là công tác quản lý nhà nước trong sử dụng thuốc BVTV còn lỏng lẻo, các chế tài giám sát chưa đủ mạnh.

Qua trò chuyện với nhiều người làm nông ở huyện Phú Vang, Phú Lộc, đa số đều ghi nhớ tên thuốc BVTV qua hình ảnh in trên bao bì và có thói quen "tự đặt tên" cho mỗi loại thuốc BVTV, chẳng hạn như "thuốc con cọp", "thuốc con rồng"... Do đọc các thông tin trên bao bì sản xuất còn hạn chế, nên người dân lạm dụng thuốc BVTV để trừ diệt sâu bệnh trên cây trồng là điều dễ hiểu. Thậm chí có người vẫn biết họ đang sử dụng thuốc BVTV là không an toàn, gây hại cho sức khỏe, môi trường nhưng họ vẫn sử dụng vì chưa tiếp cận kỹ thuật, công nghệ sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn đầy đủ.

Qua một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội tại một số địa phương có diện tích nông nghiệp lớn và một số vùng trồng rau màu đặc trưng trên địa bàn tỉnh, trong quá trình bơm xịt thuốc BVTV, chỉ có khoảng 27% người đeo kính mắt, 57% người có đội mũ, 69% người có đeo găng tay, 45% người đi ủng, 45% người có mang áo mưa hay đồ bảo hộ lao động chuyên dụng và 91% người có đeo khẩu trang. Chính sự chủ quan, xem thường tính độc hại của thuốc BVTV nên không ít trường hợp bị bỏng, ngộ độc và nhiễm bệnh về đường hô hấp...

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với môi trường là nạn vứt bừa bãi bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV, làm mất vệ sinh đồng ruộng, cản trở các hoạt động canh tác, gây thương tích do đạp phải, gây ô nhiễm đất, nước. Biểu hiện rõ nhất và nhãn tiền mà người nông dân ai cũng nhận ra đó là nhiều loài thủy sản trên đồng ruộng hầu như mất dần so với trước đây.

Chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây khi các cơ quan trong ngành nông nghiệp, HTX, các dự án đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân về những tác hại cũng như cách pha chế, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách. Những mô hình trồng lúa, rau hữu cơ được khuyến khích, nhân rộng ở một số HTX cũng góp phần giảm lượng thuốc BVTV. Bên cạnh đó, một số địa phương đặt thùng rác, xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc BVTV đã phần nào giúp bà con nông dân có ý thức, tự giác bỏ đúng nơi an toàn sau khi sử dụng. Theo đó môi trường trên ruộng đồng canh tác cây trồng đã cải thiện rõ nét…

Bài, ảnh: MINH HOÀI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thoi-quen-kho-doi-132635.html