Thói quen ăn uống thất thường của bệnh nhân sa sút trí tuệ

Thói quen ăn uống của bệnh nhân sa sút trí tuệ có thể thay đổi thường xuyên, lúc thèm ăn, khi lại chán ăn. Để chăm sóc người bệnh, người nhà của họ cần sự tỉ mỉ.

Bệnh nhân sa sút trí tuệ thường thay đổi thói quen ăn uống. Ảnh: SK&ĐS.

Bệnh nhân sa sút trí tuệ thường thay đổi thói quen ăn uống. Ảnh: SK&ĐS.

Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, cảm giác thèm ăn thường thay đổi. Trước đây, bệnh nhân không kén chọn, loại thức ăn nào cũng ăn được, nhưng giờ lại kén ăn, số loại thức ăn không ăn ngày một nhiều, lượng thức ăn nạp vào người lại ít đi, điều này thường khiến người giám hộ khó chịu.

Dĩ nhiên khi có tuổi sức lực giảm, hoạt động không nhiều, cảm giác thèm ăn cũng dần biến mất khiến sức ăn của bản thân cũng giảm dần. Nhưng khi bệnh trở nặng, cảm giác thèm ăn giảm đi nhiều khiến người bệnh ăn không còn ngon miệng nữa.

Sau khi mắc bệnh sa sút trí tuệ, có nhiều bệnh nhân trước đây không ăn sô-cô-la giờ lại bắt đầu thích đồ ngọt, có người trước đây ăn rất ít nhưng giờ lại ăn nhiều, đến hơn ba bữa một ngày. Cũng có trường hợp người bệnh đòi ăn thêm sau khi vừa mới ăn xong. Tình trạng này có thể xảy ra do bất thường ở trung khu thần kinh thèm ăn và các triệu chứng đó có thể xuất hiện do suy giảm nhận thức.

Giá mà có người giám hộ ở bên cạnh chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và kiểm soát lượng thức ăn cho người bệnh thì tuyệt biết bao, nhưng thực tế điều này rất khó thực hiện được. Bởi lẽ, người giám hộ còn có việc khác và còn phải đi làm, nên bệnh nhân sa sút trí tuệ thường phải tự chuẩn bị bữa ăn. Đúng là vẫn có điều dưỡng ghé thăm, nhưng họ cũng chỉ ghé qua vài tiếng đồng hồ để chăm sóc, nên đến cuối cùng bệnh nhân vẫn phải tự ăn uống.

Trong trường hợp các triệu chứng sa sút trí tuệ không nghiêm trọng, người giám hộ có thể gọi điện cho bệnh nhân vào mỗi bữa ăn để hướng dẫn họ cách ăn, và kiểm tra xem họ đã ăn uống đầy đủ chưa, nhưng trên thực tế, rất hiếm khi bệnh nhân chịu làm theo yêu cầu của người giám hộ. Không còn cách nào khác ngoài việc tìm ra một phương pháp thích hợp để giúp bệnh nhân có thể ăn uống một cách dễ dàng, đúng giờ và đủ chất.

Điều quan trọng là phải đảm bảo người bệnh không bị thiếu chất do ăn quá ít, đồng thời cần theo dõi người bệnh để kiểm soát tình trạng kén ăn hoặc ăn quá nhiều. Ngoài ra, thật may mắn nếu người bệnh có thể sử dụng tốt thìa và đũa, nhưng trong trường hợp người bệnh không sử dụng được, bạn nên để người bệnh dùng thìa và nĩa khi ăn.

Nếu người bệnh bỗng không thể làm được một việc gì mà trước đây họ từng làm rất giỏi, thì trước tiên bạn nên hướng dẫn để họ có thể làm lại. Trong trường hợp người bệnh vẫn không thể làm được, bạn cũng đừng buồn, hãy tìm một phương pháp khác phù hợp với bệnh nhân. Tuy đây là nội dung người ta vẫn thường hay nhắc đến, nhưng việc chấp nhận hiện thực là điều quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng của người chăm sóc.

Ngoài ra, nếu lượng thức ăn người bệnh ăn ít quá, bạn nên cung cấp một lon thực phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể uống được trong bữa ăn. Không chỉ thức ăn mà lượng nước uống vào cũng rất quan trọng, vậy nên người giám hộ hãy đảm bảo người bệnh uống đủ nước để có thể đi tiểu tiện và đại tiện suôn sẻ.

Bên cạnh việc thèm ăn đột ngột, một số bệnh nhân sa sút trí tuệ mắc chứng chán ăn. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người bệnh không thể ăn uống ngon miệng. Đôi khi, do họ phải dùng quá nhiều thuốc khiến họ hay bị khát, khi đó, thức ăn sẽ bị mất vị hoặc khó nuốt. Trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân nên uống một lượng nhỏ nước thường xuyên giữa các bữa ăn.

Ngoài ra còn có trường hợp bệnh nhân cứ ngậm thức ăn không chịu nuốt, điều này xảy ra có thể là do họ đã quên cách nhai và nuốt. Khi gặp phải trường hợp này, bạn có thể vỗ nhẹ vào má, hoặc đưa cho bệnh nhân loại đồ ăn mềm để họ có thể ăn được cũng là một cách.

Bạn nên động viên bệnh nhân bằng những lời nói nhẹ nhàng, cho bệnh nhân thưởng thức từng món ăn yêu thích trong một môi trường yên tĩnh và ổn định để họ có thể ăn ngon miệng. Nếu bệnh nhân không ăn cơm thường xuyên, bạn có thể cho họ ăn những món ăn vặt yêu thích cũng được.

Nếu đã làm mọi cách mà bệnh nhân vẫn không ăn uống đầy đủ được, bạn nên cho họ uống các loại đồ uống có hàm lượng calo cao được bán ở các hiệu thuốc hoặc cửa hàng y tế. Dạo gần đây, các loại đồ uống có hương vị đa dạng theo từng bệnh nội khoa xuất hiện rất nhiều, giúp bệnh nhân dễ dàng sử dụng hơn.

Người chăm sóc có thể bị căng thẳng khi phải chuẩn bị thức ăn bổ dưỡng cho bệnh nhân mỗi ngày. Trong thế giới bận rộn ngày nay, không cần thiết lúc nào cũng phải chuẩn bị những món ăn ngon. Bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị một bữa ăn đơn giản cho bệnh nhân, hoặc đến một quán ăn nào đó mua về hay nhờ họ giao hàng tới. Mua những thực phẩm đông lạnh về chế biến cũng là một cách khá hay.

Khi một người ăn uống không ngon miệng hiển nhiên sẽ giảm cân, nhưng việc giảm cân cũng có thể xảy ra do một căn bệnh mang tên chứng sa sút trí tuệ. Khi sụt cân nhiều, trước tiên bạn cần kiểm tra xem họ có bệnh nào khác nữa không. Bạn cũng nên kiểm tra xem người đó có bị trầm cảm không, có bị táo bón nghiêm trọng không hay răng của họ có vấn đề gì không.

Lee Kang Joon/ Light books & NXB Thanh niên

Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-quen-an-uong-that-thuong-cua-benh-nhan-sa-sut-tri-tue-post1509993.html