Thoái vốn nhà nước nhìn từ VEA và Viglacera

Tối thiểu 23.000 đồng/cổ phiếu là mức giá khởi điểm Bộ Xây dựng chính thức phê duyệt việc thoái vốn nhà nước thông qua đấu giá công khai gần 18% vốn điều lệ, tương ứng 80,6 triệu cổ phần của Tổng công ty Viglacera (VGC-Hnx). Nếu đấu giá VGC lần này thành công với số tiền thu về ít nhất 1.850 tỉ đồng, đây sẽ là đợt thoái vốn đầu tiên trong năm nay.

 Tòa nhà Viglacera.

Tòa nhà Viglacera.

Viglacera cổ phần hóa và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2014 với giá đấu thành công chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh so với chào bán khi đó là 10.300 đồng/cổ phiếu. Sau khi niêm yết, giá cổ phiếu đã tăng mạnh theo đà phục hồi của thị trường chứng khoán và hiện đang giao dịch quanh ngưỡng 21.000-22.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi giá IPO.

Sau đợt bán vốn này, Nhà nước vẫn nắm giữ 36% cổ phần VGC, tức vẫn có quyền phủ quyết mọi quyết sách của tổng công ty. Bên cạnh chức năng chính là sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, VGC còn đầu tư bất động sản, đặc biệt là các khu công nghiệp, và hiện quản lý khoảng 1.200 héc ta đất, trong đó hơn 800 héc ta là đất thuê. Xét theo ngành nghề, Nhà nước hoàn toàn có thể thoái hết phần vốn còn lại tại Viglacera và chính điều đó sẽ tạo ra sức hút cho các cổ đông lớn muốn sở hữu toàn bộ tổng công ty.

Một “ông lớn” khác trên UpCom cũng “nhăm nhe” thoái vốn là Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEA). Theo kế hoạch, công ty phải thoái vốn trong năm nay, nhưng việc thoái vốn đang trở nên phức tạp hơn nhiều vì có yếu tố ngoại. Cổ phiếu VEA đã bứt phá từ mức thấp 20.000 đồng lên gần 50.000 đồng hiện tại và lúc này là thời điểm thuận lợi cho việc bán vốn nhà nước. Hiện Bộ Công Thương đang sở hữu 88,5% cổ phần VEA và muốn thoái vốn về mức 36%.

Nếu đấu giá VGC lần này thành công với số tiền thu về ít nhất 1.850 tỉ đồng, đây sẽ là đợt thoái vốn đầu tiên trong năm nay.

Câu chuyện bắt đầu từ chỗ VEA có hai liên doanh với tập đoàn Honda và tập đoàn Toyota. Nhờ có phần lợi nhuận được chia từ hai liên doanh này mà trong nhiều năm qua VEA trở thành doanh nghiệp có lãi và lãi lớn. Theo thỏa thuận với Toyota khi thành lập liên doanh, nếu Nhà nước giảm sở hữu tại VEA xuống dưới 51%, thì Toyota có quyền được ưu tiên mua lại cổ phần của VEA tại liên doanh. Với Honda, việc mua lại cổ phần của VEA tại liên doanh không được ghi nhận thành văn bản, song Honda có thể sẽ không đứng ngoài trong trường hợp Nhà nước chỉ còn nắm giữ 36% cổ phần VEA.

Lợi nhuận của VEA sẽ giảm nhiều một khi không còn sự đóng góp lợi nhuận được chia từ các liên doanh kể trên. Nhìn từ đây có hai kịch bản xảy ra. Thứ nhất, nếu Nhà nước quyết tâm thoái vốn tại VEA, trước hết VEA phải giải quyết phần vốn góp vào hai liên doanh. Giả sử VEA sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn góp trong hai liên doanh cho hai đối tác Nhật, tổng công ty sẽ có một khoản lợi nhuận khổng lồ, thị giá cổ phiếu sẽ biến động. Câu hỏi là sau khoản lợi nhuận khủng này, kinh doanh của VEA sẽ ra sao với các công ty con hoàn toàn nội địa và hầu như không có lãi.

Việc thoái vốn nhà nước ở VEA khi ấy sẽ lâm vào tình thế “dở khóc dở cười” vì nhà đầu tư nào sẽ chịu trả giá cao cho một cổ phiếu mà yếu tố chủ yếu tạo ra lợi nhuận của nó đã được bán đi rồi? Còn trả giá thấp, hiển nhiên, Nhà nước đời nào chịu bán. Lý do: “VEA vừa có khoản lợi nhuận khủng bán cổ phần liên doanh kia mà”!

Kịch bản thứ hai là Bộ Công Thương sẽ buộc phải cân nhắc giữ lại chí ít là trên 51% cổ phần VEA nhằm giữ các liên doanh. Độ hấp dẫn của cổ phiếu VEA chắc chắn sẽ khác biệt khi Nhà nước sở hữu trên 51% và 36%. Ngoài ra, thời gian Nhà nước nắm giữ trên 51% cổ phần VEA phải kéo dài đến tận năm... 2035, thời điểm hai liên doanh với Toyota và Honda có thể chấm dứt hoạt động.

Cho dù chọn kịch bản nào, vấn đề của VEA trong thoái vốn khiến nhiều người liên tưởng đến việc thoái vốn nhà nước ở Habeco (Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội). Cho đến giờ, những thương thảo của Bộ Công Thương với đối tác nước ngoài về việc bán cổ phần Habeco vẫn chưa đi đến mục tiêu mà phía Việt Nam mong muốn. Cơ hội ở Habeco đang trôi đi. Nếu Habeco thoái vốn cùng thời điểm với Sabeco, biết đâu Nhà nước đã thu được một khoản tiền tính bằng tỉ đô la Mỹ nữa. Trong tương lai gần, Nhà nước còn cổ phần hóa những tập đoàn, tổng công ty “chất lượng” hơn; nhà đầu tư nước ngoài, trong nước có nhiều lựa chọn hơn, thì thoái vốn Habeco sẽ phải cạnh tranh với nhiều đợt thoái vốn khác. Chưa kể kết quả kinh doanh của Habeco đang sa sút so với các năm trước và thương hiệu này đang mất thị phần vào tay các đối thủ cùng ngành.

Thành Nam

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286222/thoai-von-nha-nuoc-nhin-tu-vea-va-viglacera-.html