Làng gốm duy nhất ở Bình Thuận trước nguy cơ mai một

Quy mô sản xuất của làng gốm Bình Đức đang thu hẹp từ 100 còn 64 hộ, nhưng đang trong tình cảnh thiếu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm khó khăn.

Làng Chăm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình là làng gốm thủ công duy nhất còn lại ở Bình Thuận. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2012 và đang được Bình Thuận xây dựng hồ sơ để trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ… Thế nhưng làng nghề này đang bị mai một vì thiếu nguồn nguyên liệu, sản phẩm không có đầu ra.

Nguyên liệu làm gốm ngày càng khan hiếm

Trong ký ức người dân, làng gốm truyền thống Bình Đức luôn nhộn nhịp bởi cảnh xe hàng ra vào làng để mua bán gốm. Đàn ông trong làng thì tất bật gùi đất, kiếm củi, còn đàn bà thì gò lưng sàng đất, nhào đất, nặn gốm. Hồi trước ở Bình Đức nhà nhà làm gốm, người người làm gốm. Cái nghề “mẹ truyền con nối” này mang lại cuộc sống khá đủ đầy cho người Chăm ở nơi đây. Song đó là câu chuyện của 10 năm trước, giờ đây quy mô sản xuất của làng gốm Bình Đức đang thu hẹp dần, số hộ theo nghề từ 100 nay chỉ còn 64 hộ.

Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi bên những sản phẩm gốm truyền thống.

Ông Trần Xuân Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận cho rằng, nguyên nhân là do giá thành sản phẩm rẻ, sức tiêu thụ kém. “Sản phẩm gốm làm ra chủ yếu là đồ gia dụng, thị trường tiêu thụ chưa có nên người dân phải tự tìm thị trường bán lẻ. Nhà nước chưa can thiệp cũng chưa quan tâm tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm cho bà con”, ông Phong bày tỏ.

Không chỉ nan giải về vấn đề đầu ra, hiện nay nguồn nguyên liệu làm gốm như đất sét, củi nung của làng gốm đang thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thiếu nguyên liệu nên giá mỗi xe bò đất sét trước đây khoảng 300.000 – 400.000 đồng, nay tăng lên từ 500.000 – 600.000 đồng. Giá đất sét tăng cao nhưng không phải muốn mua là có. “Các lò gốm mong muốn có đất sét để làm nhưng tìm đất sét giờ rất khó khăn”, Nghệ nhân Nguyễn Thị Minh mong muốn.

Loay hoay tìm lối ra

Trước thực trạng trên, tháng 12/2020, UBND huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng và đại diện một số hộ dân làm gốm tiến hành khảo sát để tìm mỏ đất sét. Qua khảo sát xác định khu vực thuộc thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình có trữ lượng đất sét tương đối lớn, phù hợp làm nguyên liệu gốm. Tuy nhiên mỏ đất sét trên lại thuộc đất quốc phòng do Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Bình quản lý.

Ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận cho biết, huyện đã có đề nghị Sở Xây dựng báo cáo lãnh đạo tỉnh và các sở ngành liên quan để xem xét. “Sở Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo trường hợp này. Do đặc tính của mỏ sét phục vụ cho gốm khác với mỏ sét phục vụ làm gạch thông thường, cho nên Sở cũng đề nghị tỉnh cập nhật, bổ sung dành phần diện tích 3ha đất này để cho bà con khai thác khoáng sản về sét theo Luật Khoáng sản”, ông Khôi cho hay.

Ông Huỳnh Duy Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình.

Theo ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận, ngoài vấn đề nguyên liệu, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm gốm cũng phải được tính đến; đồng thời phải có quy hoạch riêng đối với việc sản xuất tại làng gốm Chăm Bình Đức./.

“Muốn làng gốm tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay phải có những nhà đầu tư có tâm huyết, không vì kinh doanh chỉ vì mục đích bảo tồn bảo tàng và phát triển sản phẩm gốm trong tương lai để phục vụ du lịch, lúc đó làng gốm mới có cơ hội vực dậy và phát triển được”, ông Hòa nhận định.

Qua tham tìm hiểu được biết, trước đây đã từng có làng gốm rơi vào cảnh khó khăn như làng gốm Bình Đức, Bình Thuận nhưng sau thời gian quy hoạch phát triển mô hình làng nghề thì làng gốm này đã thay đổi diện mạo và ngày càng khởi săc, đó là làng gốm Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tìm nguồn nguyên liệu sản xuất, nên tìm hiểu đúc rút kinh nghiệm và vận dụng phát triển làng gốm Chăm Bình Đức theo như mô hình làng gốm Chăm Bàu Trúc để góp phần bảo tồn làng gốm Chăm truyền thống của Bình Thuận./.

Đoàn SỹVOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/lang-gom-duy-nhat-o-binh-thuan-truoc-nguy-co-mai-mot-861874.vov