Thi vào 10: Thay đổi 'thời gian chờ' để giảm căng thẳng cho thí sinh

Việc chuẩn bị chu đáo, cẩn thận trong mỗi kỳ thi đối với thí sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng nên xem xét việc thực hiện các quy trình, thời gian làm thủ tục như hiện nay đã hợp lý, đã tạo điều kiện tối đa cho học sinh?

1. Lớp tôi trước đây có một vài bạn, học lực được thầy cô đánh giá tương đối tốt nhưng mỗi khi đi thi, kết quả không phản ánh đúng khả năng của họ. Bởi trong các kỳ thi quan trọng, họ hay bị áp lực và nhất là trước khi thi, họ bị áp lực khá nặng. Khi thi xong, thầy cô và bạn bè có hỏi han, các bạn ấy đều nói rằng họ không lo lắng về kiến thức nhưng không hiểu sao mỗi khi vào thi, họ đều cảm thấy khá căng thẳng, vì thế ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng bài thi.

Không kể đâu xa, con của bạn tôi học một trường chuyên ở Hà Nội, con khá chăm chỉ và lực học khá ổn, trong Top đầu của lớp. Nhưng trong các kỳ thi quan trong như thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp và thi Đại học, gần như lần nào đi thi con cũng khá căng thẳng dù đã được gia đình động viên, trước mỗi kỳ thi đều cho đi chơi để con thoải mái.

Trong kỳ thi Đại học năm trước, ngay hôm thi đầu tiên khi vừa đến địa điểm thi, con đau bụng quằn quại. Dù biết con hay bị đau bụng trước những hôm thi như vậy, nhưng thấy con đau quá, bạn tôi gọi điện xin tư vấn của một chị là bác sỹ quen, chị nói đây là đau bụng do tâm lý, cố gắng động viên con thoải mái, thả lỏng. Và hôm thi đó, tâm lý đã ảnh hưởng khá nhiều nên con làm bài không tốt so với lực học của mình. Nhưng đến các hôm thi sau, có lẽ quen hơn nên kết quả thi đã đánh giá đúng năng lực thực sự của con.

Không chỉ con bạn tôi, mà trong suốt thời gian đi học và tham gia các kỳ thi, tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Mà đó cũng là tâm lý khá bình thường của nhiều con khi đứng trước một kỳ thi quan trọng, có con do phải chịu áp lực từ gia đình, bạn bè, thầy cô nhưng cũng có con tự tạo áp lực cho bản thân. Vì thế, việc tạo tâm lý thoải mái cho các con trước mỗi kỳ thi cũng góp phần rất quan trọng vào kết quả thi.

2. Hôm nay, gần 90.000 học sinh Thành phố Hà Nội bước vào kỳ thi vượt cấp vào lớp 10 trong thời tiết khá oi bức. Không chỉ riêng kỳ thi này, mà hầu như tất cả các kỳ thi, trước ngày thi chính thức thí sinh đã có một ngày đến tập trung để nghe phổ biến về quy chế thi và các thủ tục cần thiết.

Và hôm nay, thí sinh bắt đầu ngày thi chính thức. Theo thông báo tại nhiều điểm thi, thí sinh phải có mặt lúc 6h30-6h45, nhưng đến 7h55 thí sinh mới được giao đề và 8h00 thì bắt đầu thời gian làm bài chính thức.

Không chỉ kỳ thi này, mà kỳ thi THPT và hầu như tất cả các kỳ thi hiện nay ở nước ta đều theo quy trình về thủ tục và thời gian như vậy.

Chờ đợi thời gian dài để nhận đề thi khiến thí sinh khá căng thẳng (ảnh: Lê Hiếu)

Phải khẳng định, việc chuẩn bị chu đáo, cẩn thận trong mỗi kỳ thi đối với thí sinh là rất cần thiết. Vì đây là những kỳ thi quan trọng đối với mỗi gia đình và thí sinh. Nhiều kỳ thi, trong đó có kỳ thi Đại học, góp phần quan trọng định hướng tương lai của các em sau này. Nên việc không để xảy ra sai sót, nhầm lẫn, nhất là về mặt thủ tục đối với từng thí sinh là cần thiết. Vì thế, cần có thời gian trước khi thi để dặn dò, nhắc nhở thí sinh những thủ tục quan trọng.

Tuy nhiên, cũng nên xem xét việc thực hiện các quy trình, thời gian làm thủ tục như hiện nay đã hợp lý, tạo điều kiện tối đa cho học sinh? Chúng ta đã có hẳn một ngày trước khi thi để tập trung thí sinh, phổ biến các thủ tục cần thiết cho hôm thi chính thức. Vậy, trong ngày thi chính thức, có nên bắt các em phải chờ đợi quá lâu như hiện nay (từ 6h30-7h55), khoảng 75-90 phút mới được nhận đề để làm bài thi.

Với nhiều em ở nhà gần địa điểm thi thì việc đi lại không mất quá nhiều thời gian, nhưng với những em khá xa thì trước thời điểm có mặt, các em đã phải dậy sớm cả đến 2-3 tiếng để chuẩn bị, ăn uống, di chuyển… rồi lại công với thời gian chờ đợi để được làm bài chính thức đủ khiến các em mệt mỏi. Chưa kể, nhiều em bị áp lực về thi cử, khoảng thời gian ngồi chờ đợi quá lâu trong phòng thi cũng khiến các em càng hoang mang, lo lắng, ảnh hướng không tốt đến kết quả thi.

Người viết bài này cũng đã nhiều lần làm giám thị trong các kỳ thi, kể cả kỳ thi Đại học thì thấy việc kiểm tra giấy tờ, đánh số báo danh, nhắc lại quy chế thi… trong ngày thi chính thức không mất quá nhiều thời gian như vậy, cùng lắm cũng chỉ 20-30 phút. Khoảng thời gian còn lại thí sinh phải chờ đợi để nhận được đề thi chính thức khá dài và nhiều em thực sự lo lắng, thậm chí hoang mang.

Vì thế, nên cân nhắc khoảng thời gian này một cách hợp lý, để giảm tải thời gian chờ đợi cho thí sinh, trong đó có việc quan trọng là giảm căng thẳng cho thí sinh, nâng cao hiệu quả thi cử. Với lại, trong mỗi kỳ thi thí sinh phải tham gia khá nhiều môn thi, buổi thi, nếu thời gian chờ đợi ở mỗi buổi thi quá nhiều sẽ tạo sự mệt mỏi, áp lực không cần thiết đối với các em.

Chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, vì thế đổi mới giáo dục là cần thiết, kể cả việc thí điểm cách làm mới. Một khi đã nhìn thấy rõ những bất cập, không hiệu quả thì nhất định phải có sự thay đổi. Không thể mãi ôm khư khư cách làm cũ chỉ vì nó đã trở thành thói quen hay vì một lý do nào khác.

Chỉ khi dám mạnh dạn từ bỏ cái cũ đã trở nên lạc hậu, lỗi thời để tìm hiểu, thí điểm cách làm mới phù hợp và hiệu quả thì khi đó mới hy vọng có sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục./.

An An/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/blog/thi-vao-10-thay-doi-thoi-gian-cho-de-giam-cang-thang-cho-thi-sinh-1071654.vov