Thị trường chứng khoán: Vùng giá nào để nhà đầu tư có thể lướt sóng?

Với diễn biến của thị trường chứng khoán hiên tại, vùng giá nào để nhà đầu tư có thể tham gia trở lại sau động thái chốt lời trước đó?

Điều chỉnh để tạo nền giá mới

Sau một chuỗi tăng dài 8 phiên liên tiếp (từ phiên 9-20.10), chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm nhẹ 5,39 điểm về 939.03 điểm trong phiên giao dịch 21.10.

Phiên giao dịch 21.10, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp diễn giao dịch trong trạng thái giằng co với biên độ hẹp trong suốt phiên giao dịch buổi sáng, sang phiên chiều áp lực bán bất ngờ gia tăng trên diện rộng khiến chỉ số quay đầu giảm điểm, kết thúc chuỗi ngày khá dài tăng liên tục trước đó. Nhóm VN30 có số lượng mã giảm chiếm ưu thế với 16 mã so với 10 mã tăng trong đó nhiều cổ phiếu giảm khá sâu như VCB, CTG, MWG.. gây áp lực lên chỉ số chung.

Thanh khoản trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt hơn 7.100 tỉ đồng giá trị giao dịch trên sàn HOSE, giảm hơn 7% so với phiên giao dịch trước đó.

Giao dịch của khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi họ bán ròng mạnh lên tới 361 tỉ đồng, và cũng là phiên thứ 20 liên tiếp khối này bán ròng. Lực bán ròng của nhà đầu tư ngoại tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu như VRE, MSN và VHM.

Phiên giao dịch 21.10 cũng hoàn toàn không có cổ phiếu trụ nào được kéo lên mạnh như các phiên trước đó, đa số các mã tăng điểm cũng chỉ đạt mức tăng nhẹ. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) đánh giá việc thị trường điều chỉnh trở lại trong thời điểm này không hẳn là diễn biến xấu, nó là điều cần thiết để các cổ phiếu không xảy ra hiện tượng tăng nóng cũng như tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư ngắn hạn có phần hạ nhiệt. “Các nhịp điều chỉnh sẽ giúp thị trường tạo nền giá mới, trở nên cân bằng và ổn định hơn”, SBS nhận định.

Theo đó, SBS khuyến nghị những nhà đầu tư lướt sóng đã chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn trong thời gian gần đây có thể canh mua vào trở lại nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất tại ngưỡng 925 điểm.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III/2020, trong đó có nhóm ngành ngân hàng. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm điểm do chịu ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể, doanh nghiệp đầu ngành Vietcombank cũng có kết quả kinh doanh không như kỳ vọng khi lợi nhuận sụt giảm, nợ xấu tăng. Tại thời điểm 30.9 tổng dư nợ cho vay của Vietcombank là hơn 783.757 tỉ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu của Ngân hàng lại tăng 0,22 điểm % trong quý III/2020. Trong đó, tại thời điểm 30.9 nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của Vietcombank đã giảm 26% so với đầu năm 2020, ghi nhận hơn 3.362 tỉ đồng tại thời điểm 30.9.2020.

Nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch 22.10 (hình ảnh lúc 10h50 sáng). Ảnh: SSI.

Theo đó mà cổ phiếu VCB, cùng các cổ phiếu khác như CTG, MBB,… cũng quay đầu giảm điểm trong phiên 21.10 vừa qua.

Ở chiều ngược lại, thông tin về buổi gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, ông Lee Jae Yong, với nội dung đáng chú ý liên quan đến việc Thủ tướng đề nghị Samsung đầu tư nhà máy bán dẫn ở Việt Nam giúp cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp tăng giá ở NTC, SZL.

Trên phương diện phân tích kỹ thuật, KBSV cho rằng với sự hình thành của mẫu nến không mấy tích cực trong bối cảnh các chỉ báo động lượng đang ở sâu trên vùng quá mua cho thấy rủi ro đảo chiều đang ở mức cao. Tuy nhiên, KBSV chờ thêm một phiên giảm điểm kế tiếp để xác nhận cho kịch bản bước vào nhịp điều chỉnh của thị trường. Trong chiều hướng xuống, vùng hỗ trợ gần của chỉ số được xác định tại vùng quanh 900.

Ở quan điểm thận trọng, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tránh mở lại vị thế quá sớm, chỉ trải lệnh từng phần khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ gần.

Kim Anh

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/thi-truong-chung-khoan-vung-gia-nao-de-nha-dau-tu-co-the-luot-song-3337706/