Thị phần môi giới thu hẹp, Chứng khoán VPS (VPS) vẫn báo lãi quý 2 tăng 35%

CTCP Chứng khoán VPS (VPS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2025 với lợi nhuận trước thuế tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 878 tỷ đồng. Kết quả tích cực này đạt được dù doanh thu từ mảng môi giới, vốn là chủ lực, sụt giảm và thị phần tiếp tục bị thu hẹp. Đáng chú ý, công ty đã có sự dịch chuyển lớn trong cơ cấu tài sản khi giảm mạnh quy mô tự doanh và tăng dư nợ cho vay.

Lợi nhuận tăng trưởng nhờ tiết giảm chi phí

Theo báo cáo tài chính quý 2/2025, Chứng khoán VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.723 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động môi giới, dù vẫn đóng góp lớn nhất vào doanh thu với 748 tỷ đồng, nhưng đã sụt giảm 16%. Điều này phản ánh xu hướng thu hẹp thị phần của VPS trên sàn HoSE, khi kết thúc quý 2/2025 chỉ còn chiếm 15,37%, giảm 1,57 điểm % so với quý trước.

Tuy nhiên, các mảng kinh doanh khác đã bù đắp cho sự sụt giảm này. Cụ thể, lãi từ hoạt động cho vay tăng 16%, mang về 530 tỷ đồng; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 115%, đạt 145 tỷ đồng.

Điểm sáng trong kỳ là việc kiểm soát chi phí hiệu quả. Tổng chi phí hoạt động được tiết giảm 21%, còn 669 tỷ đồng. Nhờ đó, dù doanh thu môi giới giảm, lợi nhuận thuần từ mảng này vẫn tăng 9%. Tương tự, hoạt động tự doanh cũng ghi nhận lãi thuần 228 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.

Kết quả, VPS báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 878 tỷ đồng và 702 tỷ đồng, cùng tăng 35% so với quý 2/2024.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 3.192 tỷ đồng doanh thu hoạt động, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Nhờ việc tiết giảm chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 1.797 tỷ đồng, tăng 40%. Với kết quả này, VPS đã hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận 3.500 tỷ đồng cho cả năm 2025.

Giảm tự doanh, tăng cho vay và nợ dài hạn

Báo cáo tài chính của VPS cũng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong chiến lược phân bổ tài sản. Tại ngày 30/6/2025, tổng tài sản của VPS đạt 32.138 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm.

Đáng chú ý nhất là việc thu hẹp mạnh quy mô tự doanh. Giá trị danh mục tài sản tài chính FVTPL giảm từ 8.092 tỷ đồng hồi đầu năm xuống chỉ còn 2.499 tỷ đồng. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ việc thoái vốn khỏi các công cụ thị trường (từ 6.953 tỷ đồng xuống 600 tỷ đồng).

Nguồn vốn từ việc giảm tự doanh được chuyển hướng sang hoạt động cho vay và dự trữ tiền mặt. Dư nợ cho vay (chủ yếu là cho vay ký quỹ) tăng hơn 4.900 tỷ đồng sau 6 tháng, lên mức 17.436 tỷ đồng. Lượng tiền và tiền gửi các loại cũng tăng mạnh lên tổng cộng 11.154 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, VPS cũng thực hiện tái cơ cấu nợ. Tổng nợ phải trả là 19.337 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Công ty đã giảm 26% vay nợ ngắn hạn xuống còn trên 13.400 tỷ đồng. Ngược lại, nợ dài hạn tăng vọt sau khi VPS phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 24 tháng vào ngày 3/3/2025.

Khánh Ly

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/thi-phan-moi-gioi-thu-hep-chung-khoan-vps-vps-van-bao-lai-quy-2-tang-35-84573.html