Theo mẹ ra đồng

Một sớm tháng Giêng, mưa lún phún phất bụi lên cành bưởi đang nhú lộc xuân. Trên mái bếp, làn khói quẩn quanh như níu giữ những hạt mưa xuân ở lại. Hiên bếp lô xô cuống rạ, mưa đã đọng lại thành từng giọt long lanh ửng lên màu vàng nâu, tí tách rơi thành hàng xuống mặt đất. Giọng mẹ gấp gáp, giục những đứa trẻ còn đang ngái ngủ mau chóng ăn sáng để kịp giờ ra đồng sau những ngày nhẩn nha chơi Tết.

Trên nóc chạn bát, mẹ sắp sẵn đĩa bánh chưng xanh mướt kèm thêm bát hành muối đã ngấu. Ở quê tôi, mỗi năm, nhà nào cũng nấu hai nồi bánh chưng. Một nồi để ăn ngày Tết, nồi còn lại để ra Giêng ăn trong những ngày xuống đồng làm ruộng. Đĩa bánh chưng mới luộc còn thơm mùi lá dong, miếng đầu tiên bỏ vào miệng đã thấy dẻo mềm của nếp cái, mịn bùi của đỗ, ngậy thơm của thịt mỡ hạt tiêu. Gắp thêm miếng hành muối chấm với nước mắm cốt đủ làm xuyến xao vị giác một sớm đầy mưa xuân.

Bánh chưng trở thành món ăn hữu dụng trong những ngày làm đồng tháng Giêng. Buổi sáng, mỗi người chỉ cần một góc bánh để ăn vừa không mất nhiều thời gian chuẩn bị, vừa đủ năng lượng làm việc. Cũng có hôm, người mẹ tranh thủ đi nhổ mạ sớm, trước khi đi vẫn không quên dặn con mang cho mình một góc bánh chưng còn nguyên lá. Gánh mạ vừa đặt xuống đầu ruộng cũng là lúc người con mang bánh đến nơi. Rửa tay dưới nước mương mát lạnh, đôi tay người mẹ run run bóc bánh ăn, nở nụ cười thật ấm áp với người con đang tha thẩn chơi bên cạnh.

Những ngày tháng Giêng xuống đồng thật đặc biệt, người đi làm đồng không mấy ai gấp gáp, vội vàng. Như đã thành thói quen, đồng xa làm trước, đồng gần làm sau. Thế là, chẳng ai rủ ai, người gánh mạ, người thồ phân, người vác cuốc thong dong bước đi trên con đường sỏi đá dẫn ra khu đồng xa của làng. Vừa đi đường vừa kể chuyện, việc quê góp nhặt khiến quãng đường tưởng xa mà lại gần. Có cô cũng vì mải chuyện, đến quãng lối rẽ vào ruộng nhà mình còn hạ đôi quang đầy mạ, hai tay chống lên đầu đòn gánh để kể cho xong câu chuyện rồi mới quảy gánh đi tiếp.

Ruộng đồng xa mênh mông là nước. Nước ngập không quá sâu, chỉ độ hơn gang tay người lớn nhưng cả cánh đồng loang loáng nước đủ làm tầm mắt người thêm sâu thẳm. Người dân quê đánh dấu thửa ruộng của mình bằng những cách rất riêng. Người đóng cọc tre đầu bờ, người trồng cây khoai nước, riêng mẹ tôi trồng cây gáo nước nhỏ xinh làm mốc giới. Giữa bốn bề là nước, chỉ cần thấy cây gáo nước nhỏ vươn mình là tôi biết chính xác thửa ruộng nhà mình. Tôi phụ mẹ rải những thảm mạ gần vị trí cấy. Mạ chiêm xuân còn non nên phải dùng cuốc để rẫy chứ không nhổ bó như mạ lúa mùa. Người làm ruộng cũng vì thế phải nhẹ nhàng, cẩn thận để không làm hỏng những thảm mạ quý. Những thảm mạ non nổi bật trên mặt nước rung rinh lá mỗi khi có ngọn gió xuân mơn man thổi qua.

Trên cánh đồng quê, tôi chợt thắc mắc: “Tại sao cánh đồng này lại gọi là đồng cháy vậy mẹ?”. Mẹ nhíu mày, kể lại cho tôi nghe câu chuyện mà khi xưa bà kể. Tên gọi cánh đồng bắt nguồn từ huyền tích liên quan đến Thánh Gióng xưa. Đó là khi Thánh Gióng mặc áo giáp sắt, đầu đội nón sắt, tay cầm roi sắt, nhảy phắt lên mình ngựa. Ngựa thét ra lửa làm cháy cả một bãi ruộng. Bãi ruộng ấy chính là khu đất đồng cháy bây giờ. Câu chuyện mẹ kể khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bước chân lội dưới bùn, tôi tần ngần tưởng tượng về những tích truyện kỳ ảo liên quan đến tên đất, tên người gắn bó với bao thế hệ bên cánh đồng quê.

Tản văn của PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/theo-me-ra-dong-652567