Thênh thang đường về miền Tây

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông tuyến vào ngày 4-1-2021. Dự kiến, tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang); bến phà Rạch Miễu tạm, nối hai bờ xã Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) và xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) sẽ hoạt động trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021... Sau nhiều năm chịu cảnh đường chật, xe đông, những người miền Tây từ Đông Nam Bộ về quê đã có thêm nhiều tuyến đường thênh thang để về nhà dễ dàng hơn.

Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã hoàn thành 97% khối lượng công việc, sẽ thông tuyến trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Đường mới đón xuân về...

Tết Nguyên đán những năm trước, hàng triệu người miền Tây đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… lại chen nhau trên những con đường cũ, nhỏ về quê ăn Tết. Vào dịp đó, quốc lộ 50, quốc lộ 1 hay cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền… chật cứng người và phương tiện qua lại. Anh Trương Hữu Nghĩa (32 tuổi, quê ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (thành phố Hồ Chí Minh), cho biết: “Nhiều năm qua, dù về quê hay lên thành phố Hồ Chí Minh vào dịp Tết, chúng tôi thường xuyên chịu cảnh kẹt xe nhiều giờ đồng hồ”.

Nhưng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ khác. Ngày 4-1-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km, nối tiếp tuyến cao tốc dài 40km từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, UBND tỉnh đã nỗ lực cùng nhà thầu vượt qua nhiều khó khăn, triển khai 31/36 gói thầu, đạt 75% tổng khối lượng công việc, đúng tiến độ Chính phủ giao. Trong 5 ngày trước và 5 ngày sau Tết Nguyên đán, đơn vị thi công sẽ cho xe khách dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông tạm trên tuyến, phục vụ việc đi lại của người dân.

Cùng thời điểm đầu tháng 1-2021, hàng trăm công nhân đang gấp rút thi công những hạng mục cuối cùng trên tuyến cao tốc thứ hai của miền Tây là tuyến Lộ Tẻ (Cần Thơ) - Rạch Sỏi (Kiên Giang), quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/giờ. Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông - Vận tải) Trần Văn Thi cho biết, sau 4 năm thi công, dự án đã hoàn thành 97% khối lượng công việc, sẽ thông tuyến trước Tết.

Còn tại tỉnh Bến Tre, công trình bến phà Rạch Miễu tạm vượt sông Tiền sang tỉnh Tiền Giang đã đạt hơn 60% khối lượng công việc. Trên công trường, các công nhân khẩn trương xây dựng đường xuống bến, lắp bến nổi hình bát giác trọng tải 500 tấn... Giám đốc Ban Quản lý, bảo trì công trình đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bến Tre Từ Anh Nguyên) cho biết: “Chúng tôi tổ chức thi công cả ngày lẫn đêm. Dự kiến trước ngày 27-1-2021 (tức ngày 15 tháng Chạp), 3 chiếc phà loại 100 tấn sẽ hoạt động, đưa người và phương tiện từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây và ngược lại, không phải dồn vào cầu Rạch Miễu”.

... và thêm nhiều công trình đáp ứng nhu cầu phát triển

Song song với việc đưa tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào sử dụng tạm trong dịp Tết, đơn vị thi công vẫn triển khai hàng nghìn công nhân để tiếp tục thi công các hạng mục còn lại, phấn đấu sớm hoàn thành công trình. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận Hồ Minh Hoàng khẳng định: “Chúng tôi cam kết đưa công trình vào khai thác toàn bộ đúng dịp 30-4-2021”.

Không chỉ có thế, ngay trong sáng 4-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, một trong những thành phần quan trọng của tuyến đường cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đến Cà Mau. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật cho biết: “Đoạn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào sử dụng năm 2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành năm 2023. Do vậy, việc đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chỉnh tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đưa vào sử dụng trong năm 2023 là hết sức cần thiết".

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền, có tổng chiều dài 17,5km, tổng mức đầu tư hơn 5.123 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Cùng thời điểm này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang phối hợp cùng các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng nghiên cứu dự án xây dựng hệ thống cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 vượt sông Hậu. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 15,2km, gồm đường dẫn hai bờ và 7 cầu, với mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Bộ Giao thông - Vận tải trình Chính phủ, từ nay đến năm 2025, Bộ sẽ đầu tư 7 dự án đường cao tốc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nâng độ dài cao tốc trong vùng từ 40km hiện tại lên 300km. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Khởi đầu năm mới, chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chúng ta tiếp tục xây dựng các công trình quan trọng có ý nghĩa chiến lược với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một cố gắng rất lớn để đáp ứng yêu cầu, sự ngóng trông của 20 triệu dân ở 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Minh Điền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/987937/thenh-thang-duong-ve-mien-tay