Thầy Văn Như Cương thành lập trường Dân lập Lương Thế Vinh như thế nào?

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, Nhà giáo ưu tú - Giáo sư Nguyễn Khắc Phi đã kể lại những khó khăn mà thầy Văn Như Cương đã gặp phải khi thành lập trường Lương Thế Vinh.

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường Lương Thế Vinh, để tưởng nhớ thầy giáo Văn Như Cương, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đặc biệt là nhiều thế hệ thầy trò trường Lương Thế Vinh đã có mặt tại Hội thảo “Thầy Văn Như Cương - Người mở đường”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, những người bạn, người đồng nghiệp đã chia sẻ nhiều câu chuyện về Thầy Văn Như Cương, đáng chú ý là những kỷ niệm và khó khăn gặp phải khi thầy thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh.

Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục với phương châm là nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời.

Nhiều hình ảnh, tư liệu quý về thầy Văn Như Cương được trưng bày tại triển lãm

Nhiều hình ảnh, tư liệu quý về thầy Văn Như Cương được trưng bày tại triển lãm

Chia sẻ về giai đoạn khó khăn khi thầy Văn Như Cương đóng vai trò là người "châm ngòi", Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi - nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, là một người bạn, một người em, một người đồng hành trong suốt chặng đường xây dựng sự nghiệp trồng người của thầy Văn Như Cương đã kể lại những chuỗi ngày gian nan trước khi mở trường Lương Thế Vinh.

"Riêng chuyện về anh Cương thì phải có “nghìn một đêm lẻ” mới kể hết”, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi mở đầu câu chuyện.

Theo lời kể của nhà giáo Nguyễn Khắc Phi, thầy Văn Như Cương luôn là người nhạy bén, thông minh, đa tài và là một nhà sư phạm độc đáo, người đi đầu đóng góp công lớn cho nghành giáo dục tư thục Việt Nam.

Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi chia sẻ về thầy Văn Như Cương tại hội thảo

Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi chia sẻ về thầy Văn Như Cương tại hội thảo

Đặc biệt, Nhà giáo Nguyễn Khắc Phi không quên nhắc lại những khó khăn vất vả của những ngày đầu tiên khi thầy Văn Như Cương đặt những viên gạch đầu cho nền móng giáo dục tư thục.

Ông cho biết: “Anh Cương đã khá vất vả trong việc xin thành lập Trường Dân lập Lương Thế Vinh. Anh viết đơn ngày 11/8/ 1988; Bộ trưởng Phạm Minh Hạc mở một cuộc Hội thảo vào ngày 20/8/1988 để lấy ý kiến tham khảo và tạo dư luận. Sau khi có văn bản đề nghị của Bộ trưởng Giáo dục thể hiện rõ rệt sự đồng tình với việc thành lập Trường trung học Dân lập đầu tiên này, khoảng nửa năm sau, Ủy ban Nhân dân Hà Nội mới có quyết định thành lập! “Vạn sự”, nhất là sự đổi mới, “khởi đầu nan” - là thế đấy!”

Đánh giá về vai trò của thầy Văn Như Cương đối với sự ra đời ngôi trường dân lập đầu tiên của Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi nhấn mạnh: “Để có được thành tích của Trường Trung học Dân lập Lương Thế Vinh như ngày nay, công tích có ý nghĩa nhất là của PGS.TS Văn Như Cương. Không chỉ đối với trường mà còn đối với ngành giáo dục. Chính việc thành lập ngôi trường ấy là hiện tượng góp phần quan trọng đối với việc xác định hệ thống giáo dục, mô hình trường học trong điều kiện lịch sử mới”.

Không chỉ câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, tại hội thảo về thầy Văn Như Cương nhiều chuyên gia, các thế hệ học trò cũng dành những lời chia sẻ, tình cảm, tri ân và sự ghi nhận đối với thầy giáo Văn Như Cương.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/thay-van-nhu-cuong-thanh-lap-truong-dan-lap-luong-the-vinh-nhu-the-nao-d148517.html