Thắt phổi vì khói độc tái chế rác thải

Người dân sinh sống gần khu vực làng Đan (xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) thời gian qua lo lắng trước tình trạng rác thải khắp nơi được tập kết về làng để tái chế gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí. Không chỉ có vỏ chai, vỏ hộp mà cả rác thải y tế cũng được thu mua, tái chế khiến người dân nơi đây hết sức lo lắng.

Bãi đốt rác thải tại làng Đan (xã Dị Xử, Mỹ Hào, Hưng Yên).

Mỗi lần có dịp đi qua Quốc lộ 5 đoạn Phố Nối (tỉnh Hưng Yên), người đi đường vẫn cảm nhận được mùi khét bay ra từ đám khói trắng mờ ảo giữa những cánh đồng 2 bên đường. Đi xuôi thêm từ 5 đến 10km, hướng về xã Dị Sử (Mỹ Hào, Hưng Yên) mùi khét ngày càng đậm đặc hơn. Hỏi thăm người dân tại ngã tư Thứa (xã Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên), phóng viên được biết không khí ô nhiễm do gần đây nhiều hộ gia đình tại làng Đan chuyển sang làm nghề thu mua rác thải, nhựa tái chế. Rác thải thu mua về, một số được đem đi đốt dẫn đến không khí bị ô nhiễm. Tìm hiểu về thực trạng này, phóng viên đã tìm đến làng Đan và từ đây và phát hiện ra nhiều thực trạng đáng buồn.

Đặt chân đến làng Đan, ấn tượng của tôi là rác, đồ phế thải. Nhà nào cũng tích trữ đồ phế thải, rác thải. Đồ phế thải có đủ loại từ vỏ chai, vỏ hộp, bao tải đến dây điện, ắc quy, máy tính, linh kiện điện tử. Đồ phế thải xuất hiện khắp nơi từ mặt đường Quốc lộ 1A (đoạn đi qua làng Đan) đến khắp hang cùng, ngõ hẻm. Nói không quá, đồ phế thải được người dân giữ gìn hơn cả ô tô, xe máy. Trong khi, ô tô, xe máy bị để ngoài trời mặc cho trời mưa gió thì đồ phế thải được để cẩn thận trong kho, trong khuôn viên nhà, dưới bóng cây xanh mát, khóa cửa, che đậy kín mít. Tuy nhiên, khi đi vào sâu trong làng, những đồ phế thải này lại trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh đối với phóng viên. Không chỉ được đóng thành từng bánh hình vuông, xếp cao bằng căn nhà 2 tầng mà còn vứt la liệt từng ngõ hẻm, từ gốc cây, cột điện đến tận mái nhà. Cùng với đó, không khí trong làng bị ô nhiễm nặng nề với đủ thứ mùi xú uế, nổi bật nhất là mùi nước mắm, nước tẩy rửa bốc ra từ đống vỏ chai nhựa bên đường. Mùi này xộc thẳng vào mũi, khiến ai đi qua có lẽ đều che mũi, đau đầu, hoa mắt, choáng váng. Chị Tuyết, một người dân sống gần làng Đan cho biết: “Nhà đang có con nhỏ, tôi không bao giờ dám mở cửa cho con ra ngoài chơi. Vào ngày nắng nóng mùi bốc lên kinh khủng, thương con cũng không còn cách nào khác chỉ biết để cháu trong phòng đóng kín cửa, bật điều hòa, có người còn đeo khẩu trang đi ngủ”.

Phương tiện vận chuyển rác thải về làng Đan tiêu thụ

Bức xúc với thực trạng trên, chị Tuyết chỉ dẫn tôi tiếp tục tìm hiểu làng Đan, tiếp cận cơ sở thu mua, tái chế rác lớn nhất trong làng. Đó là một căn nhà 2 tầng nằm lọt trong núi rác thải bao vây tứ phía, với nhiều công nhân đang làm việc. Đầu ngõ rẽ vào cơ sở này, rác la liệt chủ yếu được làm từ nhựa, được phân chia cẩn thận thành từng khu đất riêng, có rào, cửa quây kín. Đi vào sâu bên trong, rác, đồ phế thải sắp xếp thành từng khu vực riêng, có khu đất chỉ để các các loại rèm cửa, miếng lợp trần nhà (bằng nhựa); khu đất khác lại được quây bằng lưới sắt chuyên để các thiết bị như bàn phím máy tính, khung màn hình máy tính cũ nát. Ngoài ra, ngay bên cạnh cơ sở này có một khoảng đất trống chuyên để tập kết các loại rác thải như vỏ chai nước mắm, nước xả vải, tẩy rửa, tất cả quện lại tạo nên một bầu không khí khó chịu. Đó là chưa kể, sau cơ sở thu mua, tái chế rác thải trên là 1 kho lớn, rộng hơn 100 m2, theo lời người dân, nơi đây chuyên để tập kết rác sau khi xử lý để đem đi tiêu thụ. Người dân sống tại đây cho biết, việc thu mua, tập kết rác thải không phải là vấn đề khiến họ mất ăn, mất ngủ mà là tình trạng ô nhiễm từ việc đốt rác bừa bãi của cơ sở này. “Rác được đưa về cơ sở này chỉ được thu gọn, làm sạch một phần, còn lại họ đem đi đốt để tiêu hủy hoặc lấy lõi kim loại, khói mù mịt, mùi khét rất khó chịu và độc hại” – một người dân trong làng Đan chia sẻ.

Mặc dù bãi đốt rác thải của cơ sở nằm ngay sau nhà nhưng phóng viên rất khó tiếp cận được vì chỉ cần đi qua ngõ đã người có người đứng chặn đe dọa, có lời lẽ thách thức. Tìm đường khác, tôi được một người dân trong làng dẫn đi vào một lối tắt nằm giữa nghĩa trang của làng. Từ đây, một lối mòn nhỏ ngập bùn xuất hiện với dòng nước đen ngòm, cây dại, bèo tây mọc quá đầu người. Lội xuống lớp bùn qua quá đầu gối, tôi chứng kiến đủ loại nước xả từ vàng óng, đến đen sệt từ những căn nhà thu mua, tái chế rác thải ở mặt đường xả thẳng ra môi trường.

Lội được khoảng 100m, từ xa, một khoảng đất đen, bao trùm bởi đám khói mờ mờ hiện lên cùng với khét sặc sụa. Đi thêm 1 đoạn, đến điểm đốt rác thải, cây xanh, lúa, cỏ đều héo úa, khô vàng. Mặc dù phóng viên đã đeo khẩu trang, mà vẫn phải lấy tay bịt mồm, bịt mũi, nín thở mới dám bước vào bên trong đám cháy. Đứng giữa đống rác, tôi bị choáng ngợp bởi những những sợi dây chằng chịt, bó chặt vào nhau. Ban đầu quan sát, đống dây trên chủ yếu là vỏ dây điện, vỏ cáp nhưng khi lấy chân gạt lớp tro bên trên, những búi dây cao su, màu vàng chưa cháy hết xuất hiện. Quan sát kỹ, loại dây này giống dây chuyền dịch, có nắp đầu xi-lanh là các loại thiết bị y tế hay được sử dụng trong bệnh viện. Những dây giống dây chuyền dịch này nằm xen lẫn với nhiều chai, lọ thủy tinh, không rõ thông tin do đã bị rạn nứt, vỡ khi đốt. Theo lời một người dân "Mấy hôm nay trời mưa, nhà báo mới đi được vào bãi đốt như thế này. Bình thường người dân chúng tôi đi hái rau, làm ruộng không ai dám lại gần vì nóng, mùi hôi và khét. Ai cũng phải đeo khẩu trang, mắt cay xè, nước mắt ròng ròng".

Khi phóng viên ghi nhận thực trạng này, một số người dân sống trong làng xuất hiện bày tỏ bức xúc với tình trạng ô nhiễm, họ kể lại: Hộ gia đình thu mua rác thải trên có 2 anh em. Trước đây, khi người anh làm, người dân phản ánh nhiều, chính quyền địa phương đã vào cuộc, xử lý. Nhưng khi người anh dừng làm, chuyển sang nghề làm nhôm thì việc thu mua rác, tái chế lại chuyển giao cho người em. Người dân bây giờ đến cơ sở để nhắc nhở, đề nghị hộ thu mua giữ gìn vệ sinh bị nhiều người lạ đe dọa nhốt, hành hung. Không làm gì được, có người bức xúc đã đem quan tài ra để trước cửa nhà đó nhưng sau này mọi thứ không thấy có gì thay đổi.

Chiều muộn, dọc Quốc lộ 5, đoạn đi qua làng Đan, nhiều xe vận chuyển rác vẫn nườm nượp qua lại. Xe đỗ ngang nhiên dưới lòng đường, rác thải thản nhiên được vận chuyển vào kho nhưng không có sự xuất hiện của cơ quan chức năng. Vì vậy, rác thải dư thừa ngày đêm vẫn được đốt, màn khói trắng, khói đen đan xen từ mỗi đống đốt rác khác nhau ô nhiễm vẫn bao phủ làng Đan. Nhiều người dân bức xúc, bực bội nhưng chỉ biết chịu đựng.

Rác thải được tập kết tại một cơ sở tái chế. Ảnh: Quang Tấn

Quang Tấn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/that-phoi-vi-khoi-doc-tai-che-rac-thai.aspx