Tháo gỡ vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (theo nội dung Nghị quyết 58/2016/NQ-HÐND (ngày 5-8-2016) của HÐND tỉnh Cao Bằng) trên địa bàn không thuận lợi, có vướng mắc, vốn hỗ trợ chậm được giải ngân. Ðể tháo gỡ tình trạng này, cần sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng.

Trang trại nuôi bò của Công ty TNHH Xây dựng 26-3 ở xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Giải ngân chậm

Nghị quyết số 58 của HÐND tỉnh Cao Bằng ra đời nhằm cụ thể hóa các ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp (của Chính phủ) bằng chính sách của tỉnh. Nghị quyết quy định các tiêu chuẩn, điều kiện để hỗ trợ phù hợp năng lực đầu tư, tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, do đó, được đánh giá là bước đột phá về chính sách và nỗ lực đáng trân trọng của tỉnh nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp và giữ chân doanh nghiệp, hợp tác xã gắn bó với nông nghiệp. Ðến nay, Cao Bằng đã thu hút thêm được 15 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng số vốn đăng ký khoảng 700 tỷ đồng, qua đó, nâng tổng số dự án đầu tư vào nông nghiệp toàn tỉnh lên 44 dự án, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả tốt.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, eo hẹp của một tỉnh nghèo, Cao Bằng đã dành 30 tỷ đồng để hỗ trợ (trong giai đoạn 2016 - 2020) cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, năm 2018, có chín tỷ đồng đã được ghi vốn để hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chậm. Từ năm 2017, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đủ điều kiện nhận hỗ trợ đã lập hồ sơ đề nghị gửi Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH và ÐT) tỉnh Cao Bằng thẩm định. Nhưng quá trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ kéo dài, mất nhiều thời gian do sự lúng túng của cả cơ quan chức năng và đơn vị hưởng lợi, dẫn đến chậm giải ngân vốn.

Theo Sở KH và ÐT tỉnh Cao Bằng, hiện có bốn đơn vị đã nộp hồ sơ đề nghị được hưởng ưu đãi, gồm: Trang trại chăn nuôi Vân Trình của Công ty TNHH Xây dựng 26-3; trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, gà đẻ, gà thương phẩm bảo đảm an toàn sinh học của Hợp tác xã nông nghiệp - chăn nuôi Bảo Hưng; trang trại chăn nuôi lợn hương rừng Cao Bằng của Hợp tác xã Thắng Lợi; hạng mục xử lý nước thải dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn Cao Bằng của Công ty cổ phần Khánh Hạ. Ðến nay, chưa có đơn vị nào được nhận hỗ trợ, do chưa hoàn thành hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Riêng hạng mục xử lý của Công ty cổ phần Khánh Hạ không thuộc danh mục cụ thể trong Nghị quyết 58/2016/NQ-HÐND.

Nguyên nhân khiến quy trình thẩm định hồ sơ kéo dài, do việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác lập hồ sơ dự án của cơ quan quản lý nhà nước còn có sự lúng túng. Trong lần đầu thực hiện, công chức tiếp nhận hồ sơ chưa nắm rõ được hết các thủ tục, cho nên hồ sơ thiếu thủ tục vẫn được chuyển đến cơ quan chuyên môn.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng) Nông Thanh Mẫn cho biết, theo nguyên tắc khi nộp hồ sơ phải có đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định, cơ quan chuyên môn chỉ thẩm định nội dung được giao. Nhưng thực tế vẫn phải yêu cầu bổ sung hồ sơ và có hồ sơ đã qua hai lần thẩm định vẫn chưa hoàn thành. Ðể tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo Nghị quyết 58, Sở KH và ÐT tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 1231, ngày 21-9-2016. Ðến ngày 26-6-2018, UBND tỉnh đã ban hành Hướng dẫn số 1918 thay thế hướng dẫn của Sở KH và ÐT tỉnh, trong đó quy định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư, nhưng quá trình thực hiện không thuận lợi.

Một nguyên nhân nữa, có một số thủ tục, đơn vị hưởng lợi chưa nắm bắt rõ yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Mặc dù đã được hướng dẫn, vẫn có nhầm lẫn, thiếu chính xác trong thực hiện. Do sự lúng túng của cả đơn vị tiếp nhận hồ sơ và doanh nghiệp, hợp tác xã cho nên rất lâu (qua thẩm định, phát sinh thủ tục cần chỉnh sửa, bổ sung) các đơn vị lại được cơ quan thẩm định yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Ðơn cử như hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư trang trại chăn nuôi Vân Trình của Công ty TNHH Xây dựng 26-3 được Sở NN và PTNT hoàn thành thẩm định (nội dung được giao) từ tháng 11-2017, đến nay, vẫn cần bổ sung quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang xây chuồng trại chăn nuôi bò (do UBND huyện Thạch An cấp).

Doanh nghiệp nản

Theo đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, yêu cầu lập hồ sơ chi tiết, đầy đủ của cơ quan chức năng là hợp lý, để bảo đảm kinh phí hỗ trợ được chi đúng mục đích, hợp lý. Nhưng công tác hỗ trợ các đơn vị cần hiệu quả hơn để tháo gỡ vướng mắc. Một giải pháp được đưa ra, sau khi các sở, ngành đã thẩm định hồ sơ, Sở KH và ÐT tỉnh mời các sở, ngành liên quan đến thẩm định trực tiếp tại cơ sở, kết hợp tư vấn, hướng dẫn thực hiện các yêu cầu của cơ quan chuyên môn cho đơn vị hưởng lợi. Mặt khác, các sở, ngành cần họp bàn, thống nhất lập bộ hồ sơ quy chuẩn, quy định chi tiết hơn (trên cơ sở hướng dẫn thực hiện của UBND tỉnh Cao Bằng).

Ðã hơn hai năm từ khi Nghị quyết 58 có hiệu lực, thời gian cứ dần trôi trong sự "sốt ruột", mong đợi của các đơn vị được hưởng lợi. Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi lợn hương rừng Thắng Lợi, Lý Thị Nga chia sẻ, hiện nay sản phẩm lợn đen, lợn hương của đơn vị đã được người tiêu dùng Thủ đô chấp nhận, ưa chuộng, bình quân mỗi tuần xuất bán 30 con lợn thịt về thị trường Hà Nội. Ðơn vị muốn đầu tư chiều sâu, mở rộng chăn nuôi để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nhưng thiếu vốn. Mặt khác, khi đầu tư xây dựng trang trại, hợp tác xã phải vay cả vốn thương mại của ngân hàng với lãi suất cao mới đủ vốn đầu tư. Nếu được hỗ trợ, hoàn trả nguồn vốn vay thương mại, giảm lãi suất phải chi trả.

Cùng chung tâm trạng ngóng chờ vốn hỗ trợ, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp - chăn nuôi Bảo Hưng, Lê Văn Triển tâm sự, sau khi lao đao vì giá lợn xuống thấp trong năm 2017, hợp tác xã rất cần được hỗ trợ để đứng vững, phát triển. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Kế hoạch - Ðầu tư Cao Bằng Nguyễn Thái Hà cho biết, tháng 1-2019, Sở mới trình UBND tỉnh hai hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ để tỉnh phê duyệt, gồm dự án Trang trại chăn nuôi lợn giống, lợn thịt, gà đẻ, gà thương phẩm bảo đảm an toàn sinh học của Hợp tác xã nông nghiệp - chăn nuôi Bảo Hưng và trang trại chăn nuôi lợn hương rừng Cao Bằng của Hợp tác xã Thắng Lợi, sau đó tiến hành thủ tục giải ngân. Vấn đề đặt ra là khi đã có kinh phí, cần sự tích cực vào cuộc của các bên liên quan để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phát huy hiệu quả thiết thực.

Bài và ảnh: MINH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/38954302-thao-go-vuong-mac-trong-ho-tro-doanh-nghiep-dau-tu-vao-nong-nghiep.html