Thanh Liêm mở rộng mô hình nuôi thủy sản tập trung

Huyện Thanh Liêm hiện có khoảng 600 ha mặt nước nuôi thủy sản, phần lớn là đất ruộng trũng chuyển đổi. Trên diện tích này người dân đã áp dụng đa dạng hình thức nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên. Thủy sản đang là hướng phát triển hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Huyện Thanh Liêm hiện có khoảng 600 ha mặt nước nuôi thủy sản, phần lớn là đất ruộng trũng chuyển đổi. Trên diện tích này người dân đã áp dụng đa dạng hình thức nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên. Thủy sản đang là hướng phát triển hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Trang trại nuôi thủy sản rộng 3 ha chuyển đổi từ ruộng trũng của anh Đinh Văn Quảng, tổ dân phố Ba Nhất (thị trấn Tân Thanh) được sản xuất theo quy mô khép kín. Trong đó, 1 ha ao chuyên nuôi cá thịt, 2 ha còn lại ươm cá giống. Trên diện tích này, anh Quảng lựa chọn nuôi chuyên canh cá trắm trắng, đây là loại cá dễ chăm sóc, tăng trọng nhanh và phù hợp với điều kiện ao nuôi. Với cá giống anh dành một phần chuyển sang nuôi thịt, còn lại xuất bán cho người nuôi cá lồng tại tỉnh Hòa Bình. Cùng với đó, tại các ao nuôi, anh thả thêm tôm đồng để có nguồn thu ngắn hạn, phục vụ trở lại một phần cho nuôi cá thịt.

Áp dụng biện pháp nuôi cá tiên tiến bằng việc sử dụng guồng tạo ô xi, chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nước, phòng chống dịch bệnh cho cá, tôm đã mang lại cho anh Quảng hiệu quả kinh tế khá cao. Với diện tích nuôi cá thịt cho sản lượng 30 tấn/ha/năm, đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm; khu nuôi cá giống cho lợi nhuận 160 triệu đồng/năm. Riêng nguồn thu từ sản phẩm tôm đồng trong các ao cũng đạt hơn 10 triệu đồng/tháng. Được biết, trước khi đầu tư sản xuất, anh Quảng có thời gian 10 năm nuôi cá tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) nên đã nắm vững được kiến thức về thủy sản.

Trang trại nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao của anh Đinh Văn Quảng, thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm).

Anh Đinh Văn Quảng cho biết: Đây là khu ruộng trũng kém hiệu quả của người dân không còn nhu cầu sản xuất được tôi tập trung lại chuyển đổi hình thành ao nổi nuôi thủy sản từ hơn 3 năm nay. Hiệu quả sản xuất đem lại khá cao, gấp 4 – 5 lần trở lên so với cấy lúa trước đây. Hiện nay tôi đang liên kết mở rộng mô hình nuôi có diện tích gần 1 ha với 1 hộ tại xã Thanh Hương.

Anh Phạm Văn Phú, thôn Sở, xã Thanh Tâm chuyển đổi hơn 1,1 mẫu ruộng trũng và 3 sào ao trong vườn của gia đình sang nuôi thủy sản. Do điều kiện tự nhiên khó khăn về nước, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tưới cho cây lúa, anh lựa chọn nuôi các loại thủy sản đặc thù, như: Cá rô đồng, trạch, ếch... và chủ yếu nuôi để sản xuất con giống cung cấp ra thị trường. Chỉ tính riêng giống cá rô đồng một năm anh cung cấp khoảng 700 kg ra thị trường phục vụ nhu cầu người nuôi khắp các tỉnh từ Hà Nam đến Ninh Bình, Nam Định, Yên Bái… Với cá trạch, anh thường sản xuất con giống giai đoạn đầu năm, nửa cuối năm chuyển sang nuôi trạch thương phẩm. Ếch được anh phát triển đàn bố mẹ cho đẻ cung cấp ếch giống nuôi thương phẩm đang có nhu cầu lớn trên thị trường. Theo anh Phú, các loại thủy sản giống được sản xuất thường cung không đủ cầu. Giống cá rô đồng người nuôi phải đặt sớm và hẹn thời gian mới có thể giao được. Giá trị sản xuất trên diện tích mặt nước đem lại 300 – 500 triệu đồng/năm.

Những năm qua, huyện Thanh Liêm quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nuôi thủy sản. Cùng với diện tích ao, hồ, đầm và diện tích ruộng trũng chuyển sang sản xuất đa canh trước đây, huyện tiếp tục chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện đã chuyển được hơn 32 ha đất lúa sang nuôi thủy sản, chủ yếu theo mô hình ao nổi. Cụ thể, thị trấn Tân Thanh chuyển đổi 9 ha đất lúa sang nuôi thủy sản, xã Liêm Phong 11,06 ha, Thanh Nguyên 5,8 ha, Thanh Hà 3 ha… Đặc biệt, xã Liêm Cần đã chuyển đổi 3 ha sang nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”; hầu hết diện tích nuôi thủy sản được người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp nâng cao giá trị, hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Thanh Nga, Phó Trưởng phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Liêm đánh giá: Sản xuất thủy sản trên địa bàn đang được người dân chuyển hướng phù hợp. Năng suất, sản lượng và giá trị thủy sản trên diện tích mặt nước nuôi hiện cao gấp 2 – 3 lần trước đây. Huyện đang tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các địa phương mở rộng diện tích nuôi thủy sản từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nuôi trồng thủy sản trên đất lúa giai đoạn 2021 – 2025…

Nhìn từ thực tế, nuôi thủy sản của huyện Thanh Liêm đã có bước chuyển mới, trở thành một trong những hướng đi chính trong sản xuất nông nghiệp. Trước yêu cầu phát triển mới, Thanh Liêm đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng vùng thủy sản tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế trên diện tích mặt nước.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/thanh-liem-mo-rong-mo-hinh-nuoi-thuy-san-tap-trung-97738.html