Thanh Hóa sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp dựa trên thế mạnh nền tảng

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định tại Hội thảo 'Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo

Hội tụ đầy đủ tiềm năng và lợi thế

Thanh Hóa là một tỉnh lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Bắc Bộ và Trung Bộ; là tỉnh đông dân thứ 3 cả nước (3,7 triệu người, chỉ sau Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh). Là một trong những tỉnh có nhiều huyện, nhiều xã nhất cả nước; có 4 vùng kinh tế (miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển); bờ biển dài (102 km), có đường biên giới dài với Lào (192 km).

Thanh Hóa có khu kinh tế Nghi Sơn với những ưu đãi đầu tư thuận lợi nhất Việt Nam; tài nguyên thiên thiên phong phú; nhiều di sản văn hóa đặc sắc; là hình dáng thu nhỏ của Việt Nam. KKT Nghi Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, sôi động trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đến nay, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 246 dự án (trong đó có 19 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 130.000 tỷ đồng và 12,7 tỷ USD, thực sự trở thành một khu kinh tế ven biển phát triển năng động, một trọng điểm của vùng kinh tế Bắc Bộ.

Đây còn là mảnh đất hội tủ đầy đủ các điều kiện mà nhiều địa phương khác không có được như: Nằm trên con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam; Có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại với đầy đủ các loại hình giao thông: đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, có thể kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước, khu vực và quốc tế.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế- xã hội; kinh tế tăng trưởng cao (bình quân trên 10%/năm), luôn thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt; quốc phòng, an ninh củng cố vững chắc…

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Thanh Hóa nằm trong vùng năng lượng, thì những ngành công nghiệp nặng tôi cho rằng sẽ rất phát triển. Tốc độ phát triển trong thời gian vừa qua cũng khẳng định một điều là khả năng, tiềm năng mà Thanh hóa có là rất khả thi. Và, Nghi Sơn là minh chứng giúp chúng ta tin rằng, Thanh Hóa phải phát triển công nghiệp, Thanh Hóa có khả năng phát triển công nghiệp và trở thành một tỉnh công nghiệp.”

10 năm và khát vọng bứt phá

Sau 10 năm triển khai các chủ trương lớn của Đảng, với khát vọng bứt phá vươn lên, quyết tâm cao và hành động quyết liệt, Thanh Hóa đã và đang vươn mình bứt phá mạnh mẽ; có được nhiều thành tựu đột phá và khát vọng trở thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực và cả nước. Từ đó cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Giai đoạn 2010 - 2020, Thanh Hóa đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là 3 đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế.

Thứ nhất là đột phá về tốc độ tăng trưởng kinh tế, GRDP bình quân hàng năm ước đạt 10,3%/năm, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm ít các tỉnh dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 4,5 lần năm 2010, đứng thứ 8 cả nước.

Thứ hai là đột phá về thu ngân sách. Dự kiến năm 2020, thu ngân sách của tỉnh ước đạt 28.967 tỷ đồng, gấp 5,5 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 11 cả nước.

Thứ ba là đột phá về thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 132 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 14,13 tỷ USD , đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 8 cả nước.

Theo số liệu thống kê, tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh đã tăng từ 22,3% (2011) lên 32,4% (2019) và dự kiến đạt mức 35% vào năm 2020. Đây được coi là mức cao (cả về tỷ lệ và tốc độ tăng) so với các địa phương trong vùng DHMT (đứng thứ hai, sau Hà Tĩnh: 39,1%). Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2019, công nghiệp và xây dựng chiếm 47,8%, dịch vụ 33,17%.

Đặc biệt, Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong 8 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi nổi trội, có nhà máy Lọc hóa dầu lớn nhất khu vực Đông Nam Á, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng của cả nước. Cảng nước sâu Nghi Sơn, hệ thống cảng biển, vận tải biển quốc tế, dịch vụ logicstic tầm cỡ khu vực ... và các nhà máy xi măng với tổng công suất 21 triệu tấn/năm, đứng đầu cả nước.

Điểm nổi bật đầu tiên trong quá trình phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thanh Hóa đó chính là sự tăng trưởng về lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Định hướng cho giai đoạn tiếp theo, TS. Dương Đình Giám, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, Thanh Hóa từ nay đến năm 2030 cần tập trung phát triển mạnh các ngành: Lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu); Cơ khí chế tạo; Luyện kim; Năng lượng; Chế biến NSTP và một số ngành sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Đối với giai đoạn sau năm 2030, tỉnh này cần phát triển ngành lọc, hóa dầu (với trọng tâm là hóa dầu). Đẩy mạnh phát triển CNHT ngành cơ khí, chế tạo phục vụ cho các dự án nhiệt điện, điện mặt trời và các dự án trong Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn. Phát triển các lĩnh vực mới:Từ sản phẩm hóa dầu phát triển các loại nguyên liệu cho dệt may, da giày; vật tư nông nghiệp...

Trong bản Tham luận về “Phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Thanh Hóa cần Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất chất lượng sức cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.

Đồng thời, xây dựng Thanh Hóa trở thành nơi cung cấp và dự trữ xăng dầu cho cả nước, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra, Thanh Hóa cần phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nhất là khu vực miền núi.

Những thành tựu Thanh Hóa đạt được trong những năm gần đây đã tạo nên diện mạo phát triển mới cho Thanh Hóa. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế và năng lực nội sinh của Thanh Hóa, nhất là tiềm năng con người và chiều sâu văn hóa - lịch sử, còn rất lớn. Nếu phát huy hiệu quả những tiềm năng này, thì Thanh Hóa còn phát triển nhanh hơn nữa, bền vững hơn nữa, và đóng góp quan trọng hơn nữa vào phát triển chung của đất nước.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thanh-hoa-se-tro-thanh-mot-tinh-cong-nghiep-dua-tren-the-manh-nen-tang-d129504.html