Thảm họa hàng không Indonesia: Phát hiện mảnh vỡ máy bay và nhiều phần thi thể

Các đội thợ lặn Indonesia đã nối lại chiến dịch tìm kiếm trong hôm 30/10 đối với chuyến bay gặp nạn trong hôm trước đó, cùng lúc sử dụng bộ định vị tín hiệu để xác định vị trí 'hộp đen' của máy bay và tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà chiếc máy bay này rơi chỉ vài phút sau khi cất cánh.

Đội thợ lặn tìm thấy nhiều vật dụng của các nạn nhân trên biển. Nguồn: JakartaPost.

Indonesia, một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới, có lịch sử an toàn hàng không khá tồi tệ. Trong lúc chính quyền nước này xác nhận toàn bộ hành khách trên khoang đã thiệt mạng, vụ tai nạn mới đây có thể được xem là thảm họa hàng không tồi tệ thứ hai trong lịch sử nước này.

Đội ngũ dưới mặt đất đã mất liên lạc với chuyến bay mang số hiệu JT610 của Hãng Lion Air chỉ 13 phút sau khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 này cất cánh vào rạng sáng hôm đầu tuần từ sân bay ở thủ đô Jakarta, trên lịch trình bay tới thị trấn mỏ Pangkal Pinang.

“Tôi hy vọng chúng tôi sẽ sớm tìm ra phần thân máy bay”- ông Soerjanto Tjahjono, Giám đốc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSP) Indonesia nói với Reuters, thêm rằng nhiều bộ định vị tín hiệu cùng các trang thiết bị dò tìm khác đã được triển khai tới hiện trường để tìm kiếm “hộp đen” máy bay.

Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Indonesia là tìm kiếm bộ ghi âm buồng lái và bộ ghi dữ liệu bay, để xác định nguyên nhân gây ra thảm họa này.

Dù các đội thợ lặn đã tạm ngừng làm việc trong đêm hôm trước, nhiều tàu và thiết bị lặn không người lái vẫn dò tìm xác máy bay. Giới chức quan ngại rằng nhiều nạn nhân bị mắc kẹt bên trong thân máy bay.

Tính đến chiều ngày 30/10, mới chỉ có duy nhất 1 mảnh thân máy bay và một số phần thi thể người đã được tìm thấy ngoài khơi thành phố Karawang, phía Đông Jakarta. “Tầm nhìn hiện tại không tốt chút nào” - một sỹ quan đặc nhiệm cho hay, thêm rằng các đội lặn phải làm việc dưới độ sâu 35 m.

Kiểm tra DNA

Yusuf Latif - Phát ngôn viên cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia, thừa nhận rằng việc tìm được người sống sót “sẽ là điều kỳ diệu”, nếu xem xét về điều kiện của mảnh vỡ và các phần thi thể nạn nhân.

Hãng Lion Air cho hay các phần thi thể nạn nhân đã được thu thập và chứa trong 24 túi nhựa. Phần lớn được tìm thấy ở độ sâu 30-35 m ở khu vực ngoài khơi vùng biển Karawang. Giới chức cảng Jakarta đã thu thập được nhiều tài sản cá nhân của nạn nhân trôi nổi trên biển, trong đó có ví tiền, ba lô...những thứ có thể giúp xác nhận danh tính nạn nhân.

Hàng chục thân nhân của những người thiệt mạng trong thảm họa hàng không đã tụ họp bên ngoài một bệnh viện của cảnh sát, nơi các túi đựng phần thi thể được chuyển tới để khám nghiệm pháp y, kiểm tra DNA.

Tại bệnh viện này, cảnh sát cũng thu thập mẫu DNA của thân nhân các nạn nhân, để phục vụ cho việc nhận diện. Ngoài ra, họ cũng ghi lại các chi tiết như hình xăm hay các đặc điểm trên thân thể nạn nhân để hỗ trợ việc nhận diện.

Máy bay từng gặp sự cố

Được biết, trước lúc máy bay gặp nạn, phi công của chuyến bay JT610 đã yêu cầu đội ngũ mặt đất cho phép trở về sân bay, ngay sau khi cất cánh được ít phút. Giới điều tra đang cố gắng tìm hiểu xem lý do tại sao mà phi công lại đưa ra đề nghị này. Phi công của JT610 cũng không phát ra bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào.

Theo ông Edward Sirait- Giám đốc điều hành Tập đoàn Lion Air - cho hay chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 này trước đó đã gặp sự cố kỹ thuật trong lịch trình bay từ đảo Bali tới Jakarta hôm Chủ nhật tuần trước, nhưng vấn đề này “đã được giải quyết đúng quy trình”.

Ông Sirait từ chối nói chi tiết về sự cố kỹ thuật này, thêm rằng các máy bay khác thuộc cùng dòng này cũng từng có sự cố tương tự. Hãng Lion Air hiện đang vận hành 11 chiếc Boeing 737 MAX 8 và chưa có ý định “cho nghỉ hưu” bất kỳ chiếc nào trong số này - ông Sirait cho hay. Hãng Lion Air - được thành lập năm 1999 - cũng nói rằng chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào hoạt động từ hồi tháng 8 năm nay, và hoạt động rất tốt, trong khi cơ trưởng và cơ phó có tổng số giờ bay lên tới 11.000 giờ.

Trước vụ tai nạn này, thảm họa hàng không được cho là tồi tệ nhất ở Indonesia xảy ra vào năm 1997, khi một chiếc Garruda A300 bị rơi ở thành phố Medan, khiến 234 người thiệt mạng.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/tham-hoa-hang-khong-indonesia-phat-hien-manh-vo-may-bay-va-nhieu-phan-thi-the-tintuc421362