Thái Lan: Người biểu tình yêu cầu Thủ tướng từ chức trong 3 ngày

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 12-10 đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp dụng ở Bangkok từ tuần trước để hạn chế biểu tình. Tuy nhiên, động thái được cho là nhượng bộ này lại gây thêm giận dữ và vẫn kéo hàng chục ngàn người xuống đường phố Bangkok.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 12-10 đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp dụng ở Bangkok từ tuần trước để hạn chế biểu tình. Tuy nhiên, động thái được cho là nhượng bộ này lại gây thêm giận dữ và vẫn kéo hàng chục ngàn người xuống đường phố Bangkok.

Hàng nghìn người biểu tình tuần hành tới Tòa nhà Chính phủ ở Bangkok hôm 21-10. Ảnh: CNN

Dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp

Một thông báo đăng trên trang web chính thức của chính phủ Thái Lan cho biết, các biện pháp khẩn cấp cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên sẽ được dỡ bỏ từ 24 giờ đêm 22-10. "Tình trạng bạo lực vốn dẫn tới việc tuyên bố tình hình nghiêm trọng đã giảm bớt và chấm dứt, giúp các quan chức chính phủ và cơ quan nhà nước có thể thi hành luật pháp bình thường", tuyên bố được chính phủ Thái Lan đăng trên Royal Gazette hôm nay cho hay. Theo tuyên bố này, các biện pháp khẩn cấp gồm lệnh cấm tụ tập chính trị từ 5 người trở lên hay xuất bản tin tức có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia sẽ được dỡ bỏ.

Trước đó, theo Bangkok Post, tối 21-10 Thủ tướng Prayut đã lên truyền hình hứa sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp mà chính phủ ban hành ở thủ đô Bangkok từ ngày 15-10 để đối phó biểu tình. “Tôi sẽ có bước đi đầu tiên để tình hình giảm leo thang. Hiện tôi đang chuẩn bị dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và sẽ làm việc này sớm nếu không có sự cố bạo lực nào xảy ra”, ông Prayut nói.

Tuy nhiên Thủ tướng Prayut cũng yêu cầu các thành phần đối lập phải đáp lại bằng cách ngưng các phát ngôn thù địch và gây chia rẽ. “Tôi yêu cầu người biểu tình chân thành đáp lại, giảm phát ngôn thù địch và gây chia rẽ”, ông Prayut nói thêm. “Hãy tôn trọng luật pháp và sự dân chủ nghị trường, hãy để các quan điểm của chúng ta được thể hiện thông qua các đại diện ở quốc hội”, ông Prayut đề nghị người biểu tình.

Ông Prayut muốn đề cập đến quyết định của nội các ủng hộ đề xuất triệu tập một phiên họp quốc hội đặc biệt bàn cách tháo gỡ cuộc xung đột chính trị hiện tại. Trong ngày 21-10, nhà vua Thái Lan ra một sắc lệnh Hoàng gia ủng hộ triệu tập một phiên họp quốc hội đặc biệt vào đầu tuần tới. Thủ tướng Prayut cho biết, với tư cách lãnh đạo chính phủ ông có trách nhiệm phải hòa giải các quan điểm đối lập nhau, đặc biệt các quan điểm cực đoan, để người dân có thể sống hòa bình trong cùng một đất nước. Theo ông Prayut, giải pháp lý tưởng cho xung đột chính trị hiện tại là giải pháp phải công bằng không chỉ cho người biểu tình mà công bằng cả với hàng triệu người khác không lựa chọn xuống đường biểu tình. “Giờ tiếng nói và quan điểm của người biểu tình đã được lắng nghe. Đã tới lúc họ phải hòa giải quan điểm mình với quan điểm những bộ phận dân khác trong xã hội Thái, thông qua các đại diện của họ ở quốc hội”, theo Thủ tướng Prayut. Ông Prayut cũng kêu gọi tất cả các bên không lặp lại các sai lầm trước kia vốn có thể đẩy cuộc xung đột chính trị chấm dứt trong bạo lực.

Thủ tướng phải từ chức trong 3 ngày

Quyết định dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp được đưa ra sau khi hàng chục nghìn người hôm 21-10 tụ tập biểu tình trước văn phòng Thủ tướng Thái Lan tại Tòa nhà Chính phủ, yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức trong vòng 3 ngày hoặc sẽ phải đối mặt với nhiều cuộc biểu tình hơn. Người biểu tình cho rằng việc dỡ bỏ biện pháp khẩn cấp là chưa đủ, họ lặp lại các yêu cầu họ đã nêu xuyên suốt trong cả tuần biểu tình qua: Thủ tướng Prayut phải từ chức, tổ chức bầu cử mới và thành lập chính phủ mới, thay đổi hiến pháp theo hướng dân chủ hơn. "Thủ tướng Prayuth vẫn tìm cách nắm quyền, phớt lờ yêu cầu của người dân. Sắc lệnh khẩn cấp lẽ ra không được ban bố ngay từ đầu", Sirawith "Ja New" Seritiwat, một lãnh đạo phong trào biểu tình, nói.

Người biểu tình còn kéo đến tòa nhà chính phủ để gửi một lá thư từ chức họ viết sẵn để Thủ tướng Prayut chỉ việc ký. Bức thư được nhận. Người biểu tình hứa sẽ ngừng xuống đường nếu Thủ tướng Prayut từ chức trong vòng 3 ngày và chấm dứt mọi hành động luật pháp chống lại các lãnh đạo biểu tình.

Từ ngày 13-10 đến nay cảnh sát đã bắt giữ 77 người, trong đó 22 người bị bắt với các cáo buộc vi phạm luật hình sự, 54 người bị bắt vì vi phạm sắc lệnh khẩn cấp, một người bị bắt vì chống người thi hành công vụ. Về phần mình, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan bác bỏ tin đồn lan truyền giữa người biểu tình rằng cảnh sát đang tính dùng đạn thật để giải tán biểu tình.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_233446_thai-lan-nguoi-bieu-tinh-yeu-cau-thu-tuong-tu-chuc.aspx