Tên lửa Sarmat Nga lại chậm tiến độ

Hãng TASS dẫn nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, Nga sẽ hoàn tất thử nghiệm và đưa vào sản xuất tên lửa ICBM RS-28 Sarmat năm 2021.

"Hạn cuối để hoàn tất quá trình thử nghiệm và biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat vào năm 2021. Giai đoạn sản xuất hàng loạt sẽ bắt đầu từ thời điểm đó", TASS cho biết.

Đơn vị tên lửa Sarmat đầu tiên được trang bị đài chỉ huy và ít nhất hai giếng phóng cũng dự kiến đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong vòng hai năm tới.

Nga phóng thử tên lửa Sarmat.

Kế hoạch hoàn thành thử nghiệm được công bố cho thấy, việc trang bị tên lửa Sarmat của Nga chậm hơn 1 năm so tuyên bố được Tổng thống Putin đưa ra hồi giữa năm 2018.

Hãng tin TASS đưa tin, hôm 18/5, trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Nga và những giám đốc điều hành của các công ty quốc phòng, ông Putin cho biết, tên lửa RS-28 Sarmat (mệnh danh quỷ Satan) của Nga sẽ chính thức hoạt động vào năm 2020.

"Tôi cho rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat sẽ đi vào hoạt động năm 2020, còn tên lửa siêu vượt âm Avangard sẽ đi vào hoạt động năm 2019 cùng nhiều hệ thống khác", ông Putin nói trong cuộc họp.

Theo các nguồn tin, siêu tên lửa RS-28 Sarmat có trọng lượng 100 tấn, mang được cùng lúc 10 đầu đạn hạng nặng hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ hơn. Sau khi được phóng đi các đầu đạn này sẽ tự tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu.

RS-28 quá lớn để có thể ngụy trang, quá nặng để có thể di chuyển một cách linh hoạt, nhưng nó lại đặc biệt đáng ngại nên đối phương khó có thể phủ nhận nó. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jen Judson của tạp chí National Interest, nếu tấn công vào điểm yếu của Sarmat, việc đối phó với tên lửa này không phải là điều không thể.

Vị chuyên gia người Mỹ còn cho rằng, trong khi những ICBM khác di động mang lại hàng loạt lợi thế cho Nga thì Sarmat lại được thiết kế phóng từ hầm phóng cố định.

Căn cứ vào thiết kế này, vị chuyên gia người Mỹ cho rằng một khi đối phương sở hữu vũ khí tấn công và hệ thông trinh sát tốt, những tên lửa trong giếng phóng của Nga có thể bị phá hủy ngay khi còn đang trong hầm phóng.

Clip Nga phóng thử Sarmat

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-sarmat-nga-lai-cham-tien-do-3368389/