Tể tướng Nguyễn Mậu Tuyên: Người 'đứng đầu danh thần thời Trung hưng'

'Ông làm quan hơn 40 năm, hết lòng với hoàng gia. Ông giữ tiết kiên trinh, trải gian nan giúp nên bình định, dựng nên công lao sự nghiệp tốt đẹp. Về sau, ông giữ chức Tể tướng, là bậc nguyên lão cầm quyền chính, làm khuôn phép cho trăm quan, đứng đầu danh thần thời Trung hưng...'. Ông chính là Tể tướng Nguyễn Mậu Tuyên, người con của đất 'hai vua' Thọ Xuân.

Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân là quê hương của Tể tướng Nguyễn Mậu Tuyên.

Theo sử liệu và tài liệu lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Mậu (Thọ Xuân), Nguyễn Mậu Tuyên là người làng Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Là dòng dõi của Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm - Khai quốc công thần nhà Lê. Nguyễn Mậu Tuyên nổi tiếng là người có kiến văn sâu rộng, tài đức vẹn toàn, một đời tận trung, dốc lòng vì đất nước.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm quan. Ngay từ nhỏ Nguyễn Mậu Tuyên đã “văn ôn võ luyện”, được chỉ dạy nghiêm khắc, tư chất lại thông minh vì thế mà sớm nổi bật giữa chúng bạn. Tuy nhiên bấy giờ nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê, những dòng tộc trung thành với nhà Lê do vậy mà không tránh khỏi bị họ Mạc truy đuổi, tìm cách tiêu diệt. Và con cháu của Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm cũng không tránh khỏi tai ương đó. Khi nhà Lê quay trở về xứ Thanh, chọn đất Yên Trường để dựng nghiệp Trung hưng, Nguyễn Mậu Tuyên bấy giờ đã trưởng thành, liền tìm đến Yên Trường tự ứng cử, hiến sức. Và ông đã được vua Lê Trung tông tin tưởng thu dùng, để ông làm tham mưu dưới trướng.

Giai thoại lưu truyền tại dòng họ Nguyễn Mậu còn kể lại rằng, vua Lê Trung tông sau khi qua đời không có con nối dõi. Lúc bấy giờ Nguyễn Mậu Tuyên đang ở Yên Trường. Vợ ông ở nhà, đêm nằm ngủ mộng thấy có người đến báo ngày mai sẽ có con cháu họ Lê tìm đến nhà. Tỉnh giấc, bà cho là điềm báo may mắn nên vội vàng sửa soạn nhà cửa để đón quý nhân. Tuy nhiên, đợi mãi, tới buổi trưa mới thấy một người đàn ông thoạt nhìn bề ngoài lam lũ, quần áo tả tơi vào xin ăn. Người lạ mặt trần tình, ông vốn là người buôn bán, tuy nhiên vì gặp nạn sông nước mà gia tài mất hết... Nhìn kỹ lại người lạ mặt, vợ Nguyễn Mậu Tuyên thấy toát lên dáng vẻ sang quý, qua trò chuyện thì bà giật mình biết được, ông đích thực là con cháu họ Lê. Vì thế, bà đã vội vàng cho người lên Yên Trường báo cho chồng biết. Sau khi xác minh người đàn ông quả thực là con cháu họ Lê, Trịnh Kiểm cùng văn võ bá quan đã cùng nhau làm lễ cáo yết trời đất và tôn người đó lên làm vua - là vua Lê Anh tông.

Khi vua Lê Anh tông lên ngôi, Nguyễn Mậu Tuyên đã dốc tài lực phò tá. Dưới thời vua Lê Anh tông, Nguyễn Mậu Tuyên làm Hữu thị lang bộ Lại, tước Nhân nghĩa bá, sau đó lại giữ chức Hữu thị lang bộ Binh, tước Tường lân bá. Ông được cả vua Lê và Thượng phụ Thái sư Trịnh Kiểm quý mến, coi trọng.

Năm Canh Ngọ (1570) sau khi Trịnh Kiểm qua đời, con trai Trịnh Cối và Trịnh Tùng mâu thuẫn, tranh giành quyền lực. Nguyễn Mậu Tuyên đứng về phía Trưởng Quốc công Trịnh Tùng, cùng các bề tôi của nhà Lê Trung hưng phò tá, giữ yên bên trong, đánh đuổi giặc ngoài. Kết quả đạt được phần nhiều có công lao của Nguyễn Mậu Tuyên. Vì vậy, ông được vua Lê ban tước hầu. Khi vua Lê Thế tông lên ngôi, Nguyễn Mậu Tuyên giữ chức Thượng thư bộ Công, rồi Thượng thư bộ Hộ.

“Năm Quý Tỵ (1593) dẹp yên nhà Mạc, Nguyễn Mậu Tuyên phò vua về kinh đô Thăng Long, ông được phong “Minh nghĩa phụ hưng công thần”, giữ chức Thượng thư bộ Lại. Năm sau (1594), vua sai ông mang sắc đi truy phong Thái sư Nguyễn Kim (đã mất năm 1545) tước Chiêu huân Tĩnh công” (sách Địa chí huyện Thọ Xuân).

Tể tướng Nguyễn Mậu Tuyên hiện được con cháu dòng họ phụng thờ tại đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm.

Cũng theo sách Địa chí huyện Thọ Xuân, sau khi nhà Mạc được đánh dẹp, kinh đô Thăng Long mới được khôi phục, triều chính nhiều việc còn bộn bề. Trong tình thế đó, vua Lê đã tin tưởng trao cho Nguyễn Mậu Tuyên chức Tể tướng. Ông điều hành chính sự đâu ra đấy, giúp chúa Trịnh Tùng sắp xếp quan chức, củng đố đất nước.

Năm Ất Mùi (1595), triều đình nhà Lê mở khoa thi tuyển chọn nhân tài giúp nước. Nguyễn Mậu Tuyên lại được vua Lê tin tưởng giao trọng trách giữ quyển (bài thi) để chọn lựa các thí sinh đã đỗ kỳ thi Hội. Ông cẩn thận đọc kỹ quyển thi, không bỏ sót tài năng, từ đó chọn được 6 người đỗ xuất thân và đồng xuất thân với các thứ bậc khác nhau. Nguyễn Mậu Tuyên với tấm lòng ngay thẳng, tinh tường, không thiên vị đã kén được những hiền tài cho đất nước khiến người đương thời và hậu thế nể phục. Một trong số đó là Nguyễn Thực - về sau làm đến chức Tể tướng, nổi tiếng là người có tài thao lược, giúp vua Lê chúa Trịnh việc triều chính... Với tấm lòng ngay thẳng, trung nghĩa, luôn đặt việc đất nước lên đầu nên Nguyễn Mậu Tuyên được các đời vua Lê, chúa Trịnh rất mực coi trọng. Cuối đời, ông được thăng giữ chức Thiếu phó, tước Quỳnh Quận công.

Tháng Giêng năm Kỷ Hợi (1599), Nguyễn Mậu Tuyên qua đời, thọ 82 tuổi. Thương tiếc vị đại quan mẫu mực, triều đình đã tặng ông chức Thiếu sư, ban tên thụy là Trung Cẩn. Nhà sử học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, đã viết: Nguyễn Mậu Tuyên “là dòng dõi công thần, học vấn rộng rãi, chín chắn, phẩm hạnh thuần hậu. Ông làm quan hơn 40 năm, hết lòng với hoàng gia. Ông giữ tiết kiên trinh, trải gian nan giúp nên bình định, dựng nên công lao sự nghiệp tốt đẹp. Về sau ông giữ chức Tể tướng, là bậc nguyên lão cầm quyền chính, làm khuôn phép cho trăm quan, đứng đầu danh thần thời Trung hưng”.

Về Thịnh Mỹ, xã Thọ Diên (Thọ Xuân), tìm đến nơi thờ tự Tể tướng Nguyễn Mậu Tuyên, ông Nguyễn Mậu Phú - bậc cao niên của dòng họ Nguyễn Mậu, cho biết: Theo các tài liệu sử, gia phả dòng họ thì cụ Nguyễn Mậu Tuyên là hậu duệ đời thứ 5 của Thức Quốc công Nguyễn Nhữ Lãm. Cụ còn được biết đến với tên gọi Nguyễn Mậu Nghi. Trong lịch sử, cụ là người có công trạng hiển hách, vì thế sau khi mất đã được triều đình sắc phong cho con cháu cùng dân làng lập đền thờ phụng uy nghi. Đáng tiếc, vì nhiều nguyên do mà đền thờ cụ đã không còn. Hiện tại, cụ được con cháu dòng họ phụng thờ tại đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm.

Cũng theo ông Nguyễn Mậu Phú: Tại đền thờ Nguyễn Nhữ Lãm hiện vẫn còn lưu giữ một số sắc phong do các triều đại phong kiến ban cho cụ Nguyễn Mậu Tuyên. Hằng năm, vào ngày mùng 6 tháng Giêng, con cháu trong dòng họ Nguyễn Mậu lại tề tựu về đền thờ, làm lễ tưởng nhớ ngày mất của tiền nhân. Đó cũng là ngày lễ trọng của dòng họ Nguyễn Mậu ở Thịnh Mỹ. Dòng họ Nguyễn Mậu ở Thịnh Mỹ, bắt đầu từ cụ Nguyễn Nhữ Lãm, rồi Nguyễn Mậu Tuyên... và nhiều văn quan, võ tướng khác đã có nhiều công lao đóng góp cho lịch sử, làm rạng danh quê hương, là niềm tự hào của hậu thế hôm nay.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng tư liệu trong sách Địa chí huyện Thọ Xuân và một số tài liệu lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Mậu).

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/te-tuong-nguyen-mau-tuyen-nbsp-nguoi-dung-dau-danh-than-thoi-trung-hung/29236.htm