Tàu sân bay thế hệ mới của Pháp sẽ như thế nào?

Pháp đã quyết định xây dựng tàu sân bay thế hệ mới nhằm thay thế cho tàu sân bay Charles de Gaulle.

Trong chuyến thăm tới khu phức hợp Framatome ở Le Creusot, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo quyết định trang bị lò phản ứng hạt nhân cho tàu sân bay đầy triển vọng của hải quân Pháp.

Tàu sân bay Charles de Gaulle của hải quân Pháp.

Theo đại diện của lực lượng vũ trang Pháp, hiện nay việc nghiên cứu và phát triển loại tàu sân bay thế hệ mới đang được chuẩn bị. Trước đó, việc thay thế tàu sân bay Charles de Gaulle đã được đề cập vào tháng 10/2018.

Chi phí đóng tàu sân bay mới khoảng vài tỷ euro. Việc thiết kế, nghiên cứu và phát triển tàu sân bay mới sẽ được thực hiện cho tới năm 2025. Khoảng 900 triệu euro sẽ được phân bổ cho việc này, tương đương khoảng 117 triệu euro mỗi năm và bắt đầu từ năm 2021. Quá trình nghiên cứu và phát triển các chuyên gia sẽ nghiên cứu các hệ thống chiến đấu, lò phản ứng hạt nhân, hệ thống liên lạc, hệ thống phòng không… để trang bị cho tàu sân bay mới.

Đến năm 2025 giai đoạn phát triển sẽ hoàn thành và sau đó quân đội Pháp sẽ đặt hàng nhà sản xuất.

Việc đóng tàu sân bay sẽ bắt đầu vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2036, sau đó quá trình thử nghiệm sẽ bắt đầu. Tàu sân bay dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn vào năm 2038 sau khi nó hoàn thành hai năm chạy thử nghiệm trên biển.

Dự kiến tàu sân bay thế hệ mới PANG (Porte-Avions de Nouvelle Generation) sẽ lớn hơn tàu sân bay Charles de Gaulle hiện đang trong biên chế của lực lượng hải quân Pháp. Trọng tải của tàu khoảng 75.000 tấn, chiều dài khoảng 300 m, chiều rộng tối đa khoảng 80 m, tàu sân bay có thể đạt tốc độ 27 hải lý/giờ, được trang bị máy phóng điện từ và một loạt thiết bị phòng không thế hệ mới...

Trên tàu sẽ được trang bị khoảng 30 máy bay chiến đấu thế hệ mới SCAF (Systeme de combat aerien du futur). Ngoài ra, tàu sân bay sẽ được trang bị thêm UAV, Hawkeye AWACS và trực thăng. Thủy thủ đoàn sẽ bao gồm khoảng 2.000 người.

Tàu sân bay sẽ được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân K22, được phát triển dự trên lò phản ứng hạt nhân K15, được lắp đặt trên tàu sân bay Charles de Gaulle. Công suất của mỗi cái khoảng 220 MW. Việc trang bị cho tàu sân bay các lò phản ứng hạt nhân nhằm tăng khả năng tự chủ của tàu sân bay, cũng như tăng hiệu quả kinh tế của nó, vì việc bảo trì sẽ được thực hiện 10 năm một lần so với 7 đến 8 năm như hiện nay.

Trong quá trình phát triển và đóng tàu sân bay, khoảng 2.100 việc làm cần được thực hiện, gồm 400 người sẽ chịu trách nhiệm sản xuất thân tàu tại xí nghiệp Chantiers de l'Atlantique ở Saint-Nazaire, 1.400 người sẽ làm việc tại các xí nghiệp của Tập đoàn hải quân và các đối tác của tập đoàn này (TechnicAtome và Dassault Aviation), 300 người sẽ được sử dụng trong việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân.

Sau khi được biên chế cho lực lượng hải quân Pháp, tàu sân bay PANG dự kiến sẽ được neo đậu và bảo dưỡng tại căn cứ Toulon.

Minh Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-san-bay-the-he-moi-cua-phap-se-nhu-the-nao-3424162/