Tàu sân bay đắt nhất của Mỹ sẵn sàng chiến đấu sau 4 năm chậm trễ

Hải quân Mỹ thông báo siêu hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford (CVN-78) sẽ triển khai nhiệm vụ đầu tiên trong nửa cuối năm 2022, chậm đến 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

USS Gerald R. Ford (CVN-78), tàu chiến đắt nhất từng được chế tạo, cuối cùng đã sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu. Hải quân Mỹ lặng lẽ phê duyệt chứng nhận sẵn sàng làm nhiệm vụ của con tàu vào cuối năm 2021, kết thúc quá trình phát triển tàu kéo dài hơn 14 năm gây xôn xao dư luận, theo tạp chí Popular Mechanics.

Siêu hàng không mẫu hạm Ford sẽ bắt đầu triển khai nhiệm vụ đầu tiên vào nửa cuối năm 2022, muộn hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Hôm 6/4, Hải quân Mỹ thông báo tàu Gerald R. Ford hoàn thành đợt thử nghiệm chứng nhận vận hành bay. Các tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm và trực thăng thuộc phi đoàn đã thực hiện 400 đợt cất và hạ cánh, cả ngày lẫn đêm, trong cuộc thử nghiệm.

Hiện đại và nhiều rủi ro

USS Gerald R. Ford là tàu sân bay đầu tiên thuộc siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford. Lớp tàu sân bay này sẽ thay thế cho lớp Nimitz hiện có. Tàu lớp Ford được tích hợp một loạt công nghệ mới, nhằm duy trì sức mạnh trên biển số một thế giới của Mỹ.

Tàu sân bay Ford đang thử nghiệm va đập bằng vụ nổ dưới nước. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu được trang bị hệ thống radar băng tần kép, máy phóng điện từ thay cho máy phóng hơi nước truyền thống, hệ thống thang máy thế hệ mới để vận chuyển vũ khí mới (AWE), hệ thống cáp hãm đà thế hệ mới cho máy bay hạ cánh.

Thang máy AWE có thể vận chuyển hơn 9 tấn vũ khí lên boong với tốc độ gần 46 m/phút, so với 30 m/phút của tàu sân bay lớp Nimitz. Hệ thống máy phóng điện từ về lý thuyết có thể triển khai và thu hồi 270 lượt máy bay mỗi ngày.

Theo bản thuyết minh dự án, những công nghệ mới lần đầu được sử dụng trên tàu sân bay lớp Ford sẽ mang lại cho Hải quân Mỹ một siêu hàng không mẫu hạm hiệu quả cao, có thể triển khai nhiều máy bay hơn, qua đó duy trì và tăng cường sức mạnh chiến đấu cho Hải quân Mỹ.

Eric Wertheim, nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện Hải quân Mỹ từng nói về siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford rằng: “Tôi có cảm giác rằng phần còn lại của thế giới chậm hơn chúng ta ít nhất 20 năm”.

Tuy nhiên, công nghệ mới luôn đi kèm với những rủi ro. Các kỹ sư đã không thể lường trước hết các lỗi kỹ thuật khi áp dụng công nghệ mới vào thực tế. Tàu sân bay Ford liên tục bị chậm tiến độ với nhiều lỗi kỹ thuật phát sinh.

Một trong những lỗi kỹ thuật khá nghiêm trọng liên quan đến thang máy thế hệ mới AWE. Các vấn đề với thang máy AWE chỉ mới được giải quyết vào cuối năm ngoái.

Thang máy AWE có thể vận chuyển hơn 9 tấn vũ khí lên boong với tốc độ gần 46 m/phút, so với 30 m/phút của tàu sân bay lớp Nimitz.

Giám đốc chương trình siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford Brian Metcalf tuyên bố trên tờ Defense One vào cuối năm ngoái rằng 11 thang máy AWE trên tàu sân bay Ford đã sẵn sàng hoạt động, cho phép tàu đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC).

IOC là một thuật ngữ dùng để mô tả các hệ thống vũ khí mới đã được chứng nhận đủ điều kiện cho các nhiệm vụ chiến đấu nhất định. Tuy vậy, IOC không đồng nghĩa với việc vũ khí đó có thể thực hiện tất cả nhiệm vụ chiến đấu của nó.

Người ta vẫn chưa rõ tàu sân bay Ford có phát sinh thêm vấn đề nào có thể cản trở quá trình hoạt động đầy đủ của tàu hay không.

Sự im lặng bất thường

Tạp chí Popular Mechanics đưa ra nghi vấn vì sao Hải quân Mỹ lại im lặng về tình trạng IOC của tàu sân bay lớp Ford.

Dự án siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford đang gặp nhiều vấn đề tiêu cực trong nhiều năm qua. Chi phí tăng lên cùng với nhiều vấn đề kỹ thuật và các thiết bị công nghệ mới không hiệu quả như quảng cáo.

Tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay Ford. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Điều này khiến Hải quân Mỹ trở nên thận trọng về những gì liên quan đến tàu sân bay Ford.

Giới phân tích cho rằng, khi con tàu đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu, Hải quân Mỹ nên ăn mừng vì điều đó và thông báo với thế giới rằng tàu sân bay đắt nhất hành tinh đã sẵn sàng cho nhiệm vụ.

Siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford có lượng choán nước hơn 100.000 tấn. Hải quân Mỹ thường mất khoảng 5 năm để đóng mới chiến hạm khổng lồ này. Quá trình đóng mới tàu sân bay Ford bắt đầu vào năm 2009.

Ban đầu, Hải quân Mỹ dự định đưa tàu sân bay Ford vào hoạt động năm 2017 sau 8 năm thi công. Siêu hàng không mẫu hạm Ford đã được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 7/2017.

Nhưng siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford mới chỉ đạt được khả năng hoạt động ban đầu vào cuối năm 2021, chậm đến 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Sau hơn 4 năm được bàn giao cho Hải quân Mỹ, tàu sân bay lớp Ford sẽ triển khai nhiệm vụ đầu tiên trong năm 2022.

Ngoài tàu sân bay lớp Ford, nhà máy đóng tàu Huntington Ingalls Industries đã hạ thủy tàu sân bay lớp Ford thứ 2 USS John F. Kennedy (CVN-79) và đang đóng tàu sân bay thứ 3 là USS Enterprise (CVN-80).

Tàu sân bay CVN-79 dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2024. CVN-80 dự kiến đưa vào hoạt động năm 2027 hoặc 2028.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tau-san-bay-dat-nhat-cua-my-san-sang-chien-dau-sau-4-nam-cham-tre-post1308527.html