Tàu khu trục Mỹ xông vào nơi tập trận hải quân chung Trung - Nga

Nga và Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận hải quân mang tên 'Hàng hải chung-2021' ở biển Nhật Bản từ ngày 14 tới 17/10. Tuy nhiên, vào chiều ngày 14/10, một tàu khu trục của Mỹ đã đi vào khu vực diễn ra tập trận.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, từ ngày 14 tới 17/10, Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ở biển Nhật Bản, trong đó diễn tập cách thức phối hợp tác chiến và phá hủy thủy lôi nổi của đối phương, bằng hỏa lực pháo trên tàu.

Vào ngày 15/10, cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga đã bước sang ngày thứ 2. Hai bên đã tiến hành các khoa mục quân sự thực tế như quét mìn, phòng không hạm đội, tiêu diệt mục tiêu trên biển và chống tàu ngầm.

Theo hãng tin Nga Sputnik ngày 15/10 cho biết, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, tàu khu trục USS Chafee (DDG 90) của Hải quân Mỹ, đã ở lại Biển Nhật Bản trong vài ngày, tiếp cận lãnh hải của Nga và “đã cố gắng vượt qua ranh giới quốc gia” vào khoảng 5 giờ chiều (giờ địa phương).

Tàu khu trục Admiral Tributz của Hải quân Nga đang tuần tra gần đó, đã lập tức cảnh báo tàu Mỹ dừng hoạt động, thông qua kênh liên lạc quốc tế; đồng thời tàu Mỹ cũng được thông báo đang ở trong vùng biển cấm, để tổ chức tập trận chung Trung-Nga từ ngày 14-17 tháng 10.

Điều đáng ngạc nhiên là tàu chiến Mỹ không những không rời xa khu vực cảnh báo, mà còn tăng cường hoạt động gần. Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: “Sau khi nhận được cảnh báo, tàu khu trục USS Chafee đã không thay đổi hướng đi để rời khỏi khu vực cấm, mà sẵn sàng cho trực thăng cất cánh từ boong.

Điều này có nghĩa là USS Chafee sẽ không thay đổi hướng đi của mình; đồng thời việc nỗ lực cất cánh chiếc trực thăng đã vi phạm biên giới lãnh hải của Liên bang Nga ở Vịnh Peter Đại đế”.

Đoạn video do mạng vệ tinh của Nga tung ra đã ghi lại đầy đủ toàn bộ việc tàu chống ngầm Đô đốc Tributz đã kịp thời ngăn chặn và cảnh báo cho tàu chiến Mỹ rời khỏi lãnh hải Nga. Khi nhận được cảnh báo từ tàu chiến Nga, chiếc USS Chafee đã đổi hướng và quay lại lúc 5:50 chiều, và cách tàu Nga chưa đầy 60 m vào thời điểm gần nhất.

Tàu Đô đốc Tributz là loại khu trục hạm chống ngầm lớp Dreadnought của Hải quân Nga, có lượng choán nước hơn 7.000 tấn, được trang bị vũ khí có khả năng “công thủ toàn diện”.

So với các tàu Mỹ có cùng trọng tải, tàu Đô đốc Tributz hoàn toàn không kém cạnh. Đây cũng là con tàu mà Hải quân Nga sử dụng đối phó với những tàu chiến Mỹ; thậm chí là sẵn sàng đâm va vào tàu đối phương. Nguồn tin cho hay, tàu chống ngầm Đô đốc Tributz sẽ tiếp tục thực hiện các sứ mệnh ở Biển Nhật Bản.

Trên thực tế, các tàu chiến Mỹ thường xuyên xâm nhập vào khu vực biển cấm, trong các cuộc tập trận hải quân của các quốc gia một cách thường xuyên, nhằm mục đích trinh sát; nhiều lần gây ra những tình huống nguy hiểm.

Vào tháng 12/2013, tàu USS Cowpens (CG-63) đã đột nhập vào vùng biển cấm, nơi tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang huấn luyện. Mặc dù có những cảnh báo, nhưng chiếc USS Cowpens không tỏ ra sợ hãi, tiếp tục thâm nhập. Vì vậy, tàu của Trung Quốc đã lao vào ngăn cản, buộc thuyền trưởng tàu USS Cowpens phải ra lệnh “dừng toàn bộ và tránh khẩn cấp”.

Vào tháng 9/2018, Lực lượng không quân và Hải quân Nga đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hiếm hoi ở phía đông Biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, tàu khu trục USS Carney của Mỹ đã đột nhập vào khu vực tập trận của Nga.

Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình tập trận của quân đội Nga. Khi cảnh báo hết hiệu lực, quân đội Nga đã điều động nhiều máy bay chiến đấu tiến hành cuộc tấn công mô phỏng vào tàu Mỹ, buộc tàu Mỹ phải rút khỏi khu vực tập trận. Lầu Năm Góc phàn nàn rằng, hành động của quân đội Nga là “quá nguy hiểm”.

Trớ trêu thay, quân đội Mỹ thường cáo buộc các lực lượng hải quân khác là “thiếu chuyên nghiệp” và “không tuân thủ các thông lệ quốc tế” ở các vùng biển cấm của các quốc gia khác, để tạo ra căng thẳng trong khu vực.

Tuy nhiên hành động cố tình đột nhập vào khu vực tập trận và bắn đạn thật của các quốc gia khác khi họ đang tiến hành tập trận và đã có những thông báo rõ ràng, không thể cho đó là hành động “chuyên nghiệp”, và thậm chí, có thể đánh giá đó là hành động “liều lĩnh” của Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: USnavy.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke - nòng cốt của lực lượng Hải quân Mỹ trên biển. Nguồn: QPVN.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/tau-khu-truc-my-xong-vao-noi-tap-tran-hai-quan-chung-trung-nga-1609198.html